Đại Lộc vận động sưu tầm, hiến tặng kỷ vật thời chiến: Không để có lỗi với lịch sử

BÍCH LIÊN - NHẬT DUY 05/10/2015 08:43

Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc cho hay, từ năm 1975 tới nay, công tác vận động sưu tầm, hiến tặng cổ vật, hiện vật văn hóa - lịch sử và cách mạng đã được phát động tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Qua phát động, nổi lên một số địa phương làm rất tốt công tác này. Tuy nhiên, nhiều cổ vật, hiện vật đã được một số cơ quan, bảo tàng tỉnh và trung ương trưng dụng nên đến thời điểm này, cổ vật, hiện vật được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, Đền tưởng niệm Trường An không nhiều. “Nhận thức được công tác sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng cổ vật, hiện vật văn hóa - lịch sử và cách mạng vẫn chưa tương xứng với bề dày văn hóa, truyền thống của địa phương, ngành văn hóa đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm và hiến tặng hiện vật, cổ vật. Việc làm này rất cấp thiết, bởi nếu không đẩy mạnh sưu tầm thì trong vòng 5 năm tới, sẽ không còn gì cả do nhiều nhân chứng lịch sử mất đi, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử, với cha ông và cả thế hệ mai sau” - ông Trình nói.

Tích cực vận động

Ông Trình cho biết, nhóm cổ vật được vận động sưu tầm, hiến tặng có thể là rìu, búa, khuyên tai, dây chuyền, mã não, đồng tiền cổ, đĩa cổ… vốn gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc, gắn liền với những di chỉ, di tích lịch sử - văn hóa cổ nằm rải rác trên địa bàn. Nhóm hiện vật liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng trải qua 2 cuộc chiến có thể là súng đạn, bàn chông, giáo mác, bình đông, lưỡi lê, dù, ba lô, quân trang kháng chiến… hay những hiện vật có liên quan đến Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, nhật ký của chiến sĩ cách mạng, các hiện vật ghi dấu chiến công của quân và dân ta… Cũng theo ông Trình, trên cơ sở cổ vật, hiện vật thu thập được, trải qua các khâu phân loại, sắp xếp, lý lịch hóa, đến năm 2020, Phòng VH-TT sẽ tham mưu UBND huyện có chủ trương xây dựng Nhà bảo tàng truyền thống huyện. Nơi đây sẽ như một “địa chỉ đỏ”, một bảo tàng sống phục vụ tham quan, giáo dục truyền thống. Ngoài Đại Đồng, Đại Cường, Đại Nghĩa… là những địa phương phát động tốt phong trào, các địa phương khác cần khẩn trương phát động phong trào. Sắp tới, ngành văn hóa sẽ tham mưu huyện và đơn vị chức năng ở tỉnh mở lớp tập huấn ngắn ngày về nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cán bộ cơ sở trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sở bàn giao kỷ vật cho địa phương. Ảnh: N.DUY
Ông Nguyễn Văn Sở bàn giao kỷ vật cho địa phương. Ảnh: N.DUY

Tại lễ phát động phong trào sưu tầm, hiến tặng cổ vật, hiện vật mới đây do UBND xã Đại Đồng tổ chức, bước đầu địa phương đã tiếp nhận hơn 20 hiện vật liên quan đến hai cuộc chiến tranh do các cựu chiến binh xã hiến tặng, như bình đông, ba lô, võng, hộp thuốc, dép cao su, võng dù… của bộ đội địa phương. Bà Nguyễn Thị Hồng Vĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng nói: “Thật đáng quý khi hiện vật được hiến tặng là những kỷ vật đã gắn liền với các cô, các chú, các bác cựu chiến binh và người dân trong vùng suốt hơn 40 năm qua. Họ đã hiến tặng trong niềm xúc động, tinh thần ấy rất đáng trân trọng”. Cũng theo bà Vỹ, việc phát động vẫn được tiếp tục, địa phương sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể, tùy theo lĩnh vực phụ trách mà tổ chức vận động sưu tầm, hiến tặng những cổ vật, hiện vật. Chẳng hạn các Hội Nông dân, Phụ nữ sẽ vận động sưu tầm, hiến tặng hiện vật liên quan đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ; Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… vận động sưu tầm, hiến tặng những hiện vật về chiến tranh, người lính; cán bộ văn hóa - thông tin, đài truyền thanh xã thực hiện tuyên truyền, vận động trên hệ thống thông tin đại chúng.

Sức sống kỷ vật

Suốt 40 năm qua, thương binh Nguyễn Văn Sở (thôn Hà Nha, xã Đại Đồng) vẫn giữ bên mình những kỷ vật thời chiến. Cuộc sống dẫu có nhiều biến cố, khó khăn, mỗi kỷ vật vẫn được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật, để rồi mỗi khi nhớ đồng đội, nhớ đến những năm tháng đau thương, hào hùng, ông lại mang ra để ngay trước mặt, bao nhiêu ký ức lại ùa về. Cầm trên tay tấm vải dù đã sờn, ông Sở cho hay, tấm vải dù này do ông cùng đồng đội thu được khi quân đội Mỹ thả dù tiếp tế cho chiến trường Thượng Đức. “Thu được chiến lợi phẩm, anh em mỗi người chia nhau một tấm nhỏ, nó có rất nhiều lợi ích: dùng để ngụy trang khi hành quân qua cánh đồng, trời lạnh có thể dùng làm tấm đắp giữ ấm, khi thì làm khăn quàng cổ” - ông Sở chia sẻ. Mỗi kỷ vật, đối với ông Sở là mỗi câu chuyện lịch sử sinh động về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của quân và dân Đại Đồng nói riêng, Đại Lộc nói chung. Kể về bộ sản phẩm y tế gồm một cái hộp đã cũ có đầy đủ kim tiêm, kẹp bông… ông Sở cho hay, bộ đồ dùng y tế này đã trải qua nhiều đời trưởng trạm y tế huyện thời chiến. “Thời đó, anh Tất (trưởng trạm y tế huyện) hy sinh, bộ dụng cụ này được bàn giao cho anh Nguyễn Cứu Quốc, sau anh Quốc chuyển qua cho ông Nguyễn Nồng (1972), rồi tới ông Nguyễn Kiên (hy sinh năm 1975)… Sau giải phóng, nó được một đồng đội trước khi qua đời giao lại cho tôi cất giữ”. Ông Sở mân mê từng cái đèn pin, băng đạn AK, dây nịt cùng nhiều giấy tờ là kỷ vật quý giá của đồng đội được ông gìn giữ mấy mươi năm qua. Ông bàn giao các kỷ vật kèm theo lời nhắn nhủ: “Chúng là những kỷ niệm quý giá của đời tôi, là tình cảm của tôi gắn với anh em, đồng đội. Nhà nước cần nên tôi hiến tặng, chỉ mong sao thế hệ trẻ cảm nhận và biết phát huy truyền thống cách mạng của cha anh”.

Với bà Trần Thị Xanh (trú xã Đại Đồng), mỗi kỷ vật gìn giữ là một kỷ niệm, câu chuyện về đồng đội, đó có thể là nỗi đau thương mất mát, niềm tự hào, tấm gương anh dũng một thời. Bà Xanh từng là giao liên, du kích mật, nữ y tá chiến trường. Cẩn thận lau chùi bộ dụng cụ y tế, bà Xanh trải lòng: “Thời chiến, dụng cụ cứu thương đâu được hiện đại và đầy đủ như bây giờ. Có những lúc đối diện với hàng chục ca bị thương, anh chị em ai cũng phải nhanh chóng nhận định phân loại rồi tập trung cứu chữa. Thuốc men thiếu thốn, phương tiện cứu chữa thô sơ, lạc hậu, nhưng sự tận tâm và tình yêu thương đồng đội đã vượt lên tất cả”. Và như vậy, cái xách nhỏ đầy những dụng cụ y tế đã theo bà, khi ấy là cô gái mới tuổi mười tám, đôi mươi đi khắp chiến trường, đã kịp thời sơ cứu cho chiến sĩ, đồng đội trong mỗi trận đánh, nay được bàn giao, góp phần phác họa rõ thêm bức tranh truyền thống cách mạng của địa phương.

BÍCH LIÊN - NHẬT DUY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc vận động sưu tầm, hiến tặng kỷ vật thời chiến: Không để có lỗi với lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO