Để bổ sung những chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, ông xách cặp bôn ba khắp thế giới lục tìm tư liệu từ Mỹ đến châu Âu. Riêng năm 2014, ông đến 13 quốc gia, hàng chục bảo tàng để lục tìm, khảo cứu, sưu tầm. Chưa dừng ở đó, ông bảo rằng mình sẽ sang Mỹ đi học vì Hoàng Sa...
Căn chung cư thuê của TS.Trần Đức Anh Sơn bốn vách tường kín sách. Chen trong đó là mô hình những chiến hạm, những nhà giàn và những tấm bản đồ cũ kỹ, nhìn qua dễ nhận thấy dáng dấp của biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc trong căn nhà ông.
Việc nghiên cứu, tìm tòi tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa, đấu tranh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc gắn vào cuộc đời ông như một định mệnh. Chín năm trước, khi đang làm việc tại Huế, ông được Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - ông Đặng Công Ngữ đề nghị vào Đà Nẵng để giúp đỡ nghiên cứu Hoàng Sa, và thành quả của những năm miệt mài đó là hàng loạt tư liệu minh chứng về Hoàng Sa là của Việt Nam được TS.Sơn công bố, triển lãm trong và ngoài nước, cùng Đà Nẵng đấu tranh trên phương diện quốc tế để đòi chủ quyền.
“Đại sứ” Hoàng Sa - TS. Trần Đức Anh Sơn thuyết trình về biển Đông, chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh nhân vật cung cấp |
Tấm lòng người Việt xa quê
Ngày 19.1.2015, khi UBND huyện Hoàng Sa tổ chức gặp mặt các nhân chứng Hoàng Sa, ông Sơn từ Mỹ trở về dự với tư cách là nhà nghiên cứu. Cả hội trường hôm ấy khấp khởi vui mừng vì những tài liệu mà ông vừa tìm được sau chuyến đi dài. Đầu tiên là một bộ phim dài 5 tập mà ông cùng các đồng nghiệp tại Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh vừa hoàn tất có tên gọi “Biển đảo Việt Nam nguồn cội tự bao đời”. Bộ phim là một câu chuyện dài xâu chuỗi các tư liệu từ hơn 2.500 năm trước, từ khi văn hóa Đông Sơn ra biển. Tiếp đến là cách người Việt vươn ra biển lớn như thế nào vào khoảng thế kỷ XIV - XV bằng con đường gốm sứ trên biển. Kế đến là vấn đề ngoại thương của Việt Nam ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII, người Việt đã dùng đường biển làm hành lang văn hóa như thế nào. Từ sử liệu của người Nhật, đến những ghi chép đầu tiên của người phương Tây về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thể hiện là của Việt Nam; rồi từ thời nhà Nguyễn đến khi nước Pháp đại diện cho Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Những tập phim kết thúc bằng cuộc hải chiến Hoàng Sa dưới thời Việt Nam cộng hòa. Để có được những minh chứng đặc sắc, ông phải nhiều đêm dò tìm tư liệu trên các bảo tàng nổi tiếng thế giới có liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông của Việt Nam. “Tôi gửi thư đến cho quản lý các bảo tàng các nước, đặt vấn đề và đa số họ rất ủng hộ” - TS.Sơn kể.
TS.Sơn kể rằng ông rất cảm động khi những học giả người Việt tại Mỹ hết lòng giúp đỡ ông trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Anh Trần Thắng, kỹ sư ở thành phố West Hartford (bang Connecticut, Mỹ) là một trong những người như vậy. Anh Thắng thành lập Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam (IVCE) ở New York. Từ năm 2012 đến nay, anh đã bỏ tiền túi mua 170 bản đồ và 4 cuốn atlas cổ rồi trao tặng toàn bộ số bản đồ và atlas này cho TP.Đà Nẵng. Đây là những bản đồ và atlas do các nước phương Tây xuất bản từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX rất có giá trị lịch sử và là những bằng chứng góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
TS.Tạ Văn Tài ở thành phố Boston (bang Massachusetts) cũng là người được ông Sơn nhắc đến. Từ nhiều năm qua, TS.Tài đã quan tâm nghiên cứu vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên góc độ pháp lý. Ông là một trong những học giả Việt kiều tiên phong đưa ra những luận điểm bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc đối với bức Công thư công nhận đường cơ sở 12 hải lý của Trung Quốc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho phía Trung Quốc vào năm 1958. Hay anh Nguyễn Hồng Sơn, nghiên cứu sinh ngành Hóa hữu cơ tại Trường Đại học Tufts, cũng là người giúp đỡ ông Sơn rất nhiều trong hành trình tìm tư liệu. Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1984 ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2004, cùng gia đình sang Mỹ định cư ở thành phố Medford (bang Massachusetts). TS. Trần Đức Anh Sơn chia sẻ: “Họ không thích gọi họ là Việt kiều, mà chỉ muốn là những người Việt ở Mỹ, vì tuy sống cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhưng trái tim họ vẫn hướng về nơi ấy và vẫn làm những điều thú vị cho Việt Nam, vì Việt Nam”.
Đi học vì Hoàng Sa
Trong cuộc du hành ở nhiều nước châu Âu tìm tư liệu, TS.Trần Đức Anh Sơn phải lang thang qua nhiều viện bảo tàng, lục tìm các tư liệu trong văn khố quốc gia các nước Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… Ấn tượng mạnh mẽ trong ông là những người Bồ Đào Nha tử tế. Dù chỉ làm việc qua email, nhưng: “Những tài liệu từ năm 1571 rất quý hiếm. Quản lý văn khố quốc gia Bồ Đào Nha cho mình sao chụp, có cả đĩa chép sẵn cho mình” – TS. Sơn kể.
Trong ngồn ngộn tư liệu minh chứng chủ quyền mà TS.Sơn tìm được, cái quý nhất theo ông là tư liệu của người Hà Lan có niên đại sớm, từ năm 1595 đến năm 1613. Thời điểm này, nhà Nguyễn đã kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa. Các chiến thuyền của người Hà Lan khi đi ngang qua vùng biển này đều xin phép vào Hoàng Sa - Trường Sa neo đậu. Kế đến là tư liệu tại Đông Dương Văn Khố ở Nhật Bản. Trong đó có một số thư trao đổi giữa Đàng Trong với các thương nhân của công ty Đông Ấn (Hà Lan).
Không những sưu tầm, tìm tư liệu, TS.Sơn còn là một “đại sứ” của Hoàng Sa đúng nghĩa khi ông có nhiều cuộc nói chuyện với 7 trường đại học lớn tại Mỹ về chủ quyền hai quần đảo của Việt Nam trong suốt 3 tuần. TS.Sơn cho biết mình đã “kể” những “câu chuyện nhỏ” ấy với lòng nhiệt thành và niềm tự hào to lớn trong giảng đường của 7 trường đại học ở vùng đông bắc nước Mỹ. Đó là các đại học Brown (bang Rhode Island), Viện Công nghệ Massachusetts - MIT và Mount Holyoke (bang Massachusetts), Yale (bang Connecticut), New York (TP.New York), Pennsylvania (bang Philadelphia), George Washington (thủ đô Washington D.C.) và Trung tâm tưởng niệm hải quân Mỹ (US Naval Memorial Center) ở Washington, D.C. “Khán giả của chúng tôi là những học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên Mỹ chuyên ngành Việt Nam học và các ngành lịch sử, nhân học, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ… liên quan đến Việt Nam. Trong đó có những người là chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á học và Việt Nam học ở các trường đại học danh tiếng như Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Pennsylvania, Đại học Maine…” - TS.Sơn cho hay.
Mới 48 tuổi, hơn 10 năm nghiên cứu về biển đảo, chủ quyền, TS.Sơn tâm tư rằng nhìn sang Trung Quốc ông rất âu lo. Dù họ bịa đặt hoàn toàn nhưng cách tổ chức nghiên cứu của họ rất hệ thống và bài bản từ trung ương đến địa phương. Ở nước ngoài, Trung Quốc tuyên truyền cũng rất mạnh, trong khi đó chúng ta “trống” ở khu vực này. Nhấp chén chè xanh, TS.Sơn thông báo một tin vui, ông vừa nhận được học bổng Fullbight (Mỹ) dành cho học giả nghiên cứu. Ông sẽ đi học và nghiên cứu vấn đề chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang lưu giữ tại Mỹ. “Tôi gửi hồ sơ dự tuyển lúc chỉ còn khoảng 5 giờ là chương trình xét tuyển khép lại. Vui là mình được chọn. Tôi sẽ dành khoảng thời gian ở Mỹ để nghiên cứu, sưu tầm, sao chụp và mong mỏi đến một ngày nào đó Nhà nước mình kiện Trung Quốc, tôi sẽ có đủ hồ sơ” - TS.Sơn tâm sự.
TẤN VŨ