Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Chu Huy Mân có nhiều gắn bó, dấu ấn với khu 5 nói chung, mảnh đất xứ Quảng nói riêng...
Ký ức Ngày tết Độc lập đầu tiên
Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, với vai trò là Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân được phân công tiếp tục bám cơ sở và hoạt động tại Vĩnh Điện. Trong cuộc tổng khởi nghĩa, đồng chí trực tiếp chỉ huy anh em tự vệ chiếm tỉnh thành Quảng Nam (tỉnh thành La Qua).
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Chu Huy Mân được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tổ chức buổi Lễ mít tinh chào mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam được tổ chức vào chiều ngày 2/9/1945.
Theo lời kể của đồng chí Chu Huy Mân: “Ban tổ chức buổi lễ đã tổ chức tiếp âm lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nhưng do phương tiện kỹ thuật tiếp âm của ta lúc mới giành chính quyền chưa đảm bảo, tiếng nghe rõ tiếng không, nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tham dự mít tinh đều biết đó là tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên rất phấn khởi”.
Đó là ký ức không phai mờ trong cuộc đời hoạt động của Đại tướng Chu Huy Mân trong những ngày Cách mạng tháng Tám sôi động ở Quảng Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Trung ương, Quảng Nam thành lập Chi đội 1 Giải phóng quân (nay là Tỉnh đội Quảng Nam), đồng chí Chu Huy Mân được điều sang làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam rồi gắn bó với cuộc đời binh nghiệp vinh quang của mình qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuối năm 1946, đồng chí được điều ra hoạt động ở Việt Bắc để xây dựng các trung đoàn chủ lực.
Chia tay Quảng Nam, mảnh đất đã che chở, nuôi giấu mình trong những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhất, nhưng cũng đầy sôi động, đồng chí xúc động kể: “Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc. Tôi nhớ gia đình ông bà Đức Long. Nhớ bến tắm sông Vĩnh Điện, nơi anh Võ Văn Đặng - người tù chính trị trong nhà lao tỉnh Quảng Nam. Bến đò Ông Đốc trên chiếc đò con, nghe sông Thu Bồn náo nức chuyển sang thu.
Ông Cả Đáng tuổi già, nhưng mấy đêm liền thức canh cho cán bộ dự hội nghị Việt Minh tỉnh được an toàn… Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng. Ông Sáu, bà Lành sống trong túp lều nơi cửa đông thành Quảng Nam rất biết trọng nhân cách con người…
Tạm biệt Quảng Nam, với những vùng đất và con người như Vĩnh Điện, Đại Lộc, Duy Xuyên… nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan. Khi đột ngột phải xa Quảng Nam, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động… Trong sâu thẳm tôi thầm hứa nhất định sẽ có ngày trở lại vùng đất quê hương thứ hai này, với những con người đầy nghĩa khí cách mạng hào hùng và tình thương vô hạn”.
Trong lòng dân xứ Quảng
Cuối năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị điều vào lại chiến trường Khu 5. Từ đây cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, đồng chí gắn bó với chiến trường Miền Trung - Tây Nguyên nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Và Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là nơi ghi dấu ấn về tài năng của vị tướng Chu Huy Mân với tên gọi thân thương mà cán bộ chiến sĩ nhân dân Khu 5 dành cho - anh Hai Mạnh (mạnh về chính trị và mạnh về quân sự).
Trong những năm tháng gắn bó với chiến trường Khu 5 và Quảng Nam - Đà Nẵng, tên tuổi ông đi liền với chiến thắng Núi Thành, chiến thắng đồn Xã Đốc, chiến thắng Cấm Dơi và đỉnh cao là chiến dịch giải phóng Đà Nẵng mùa xuân năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí đã nhiều lần về thăm lại Quảng Nam, Đà Nẵng, thăm cơ sở cách mạng - những nơi đã che chở, nuôi dấu mình trong tháng năm kháng chiến ác liệt. Trong những lần về thăm Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng chí không quên những tên đất, tên làng, dòng sông, con suối...
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi căn cứ cách mạng, đồng chí nhấn mạnh: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ thật khó tả hết ác liệt, khó khăn. Lửa thử vàng, thép tôi mấy độ. Đồng bào, đồng chí, đồng đội đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, kiên cường bền bỉ chiến đấu đã cùng với quân, dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Mỗi lần có dịp về thăm lại Quảng Nam, gặp đồng chí, đồng đội, đồng chí Chu Huy Mân vui mừng nói: “Tôi là Lạc, một bí danh kỷ niệm không bao giờ quên và Quảng Nam - Đà Nẵng là quê hương thứ hai của tôi. Nghệ An là đất mẹ quê tôi, nơi sinh ra và giác ngộ tôi. Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi đã giúp tôi tiếp nối ý chí cách mạng đến thành công”.
Tên tuổi và những chiến công của Đại tướng Chu Huy Mân vẫn còn lưu danh với vùng đất “chưa mưa đà thấm” này. Tên đồng chí Chu Huy Mân cũng đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Trên địa bàn huyện Bắc Trà My còn có ngôi trường mang tên Đại tướng, đó là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chu Huy Mân.