Đại vương với đại phu

LIÊU HÂN 10/12/2019 11:04

Bất kỳ người nào xem sách cổ Trung Quốc hoặc xem phim cổ trang Trung Quốc hẳn không xa lạ mấy với các từ “đại vương” với “đại phu”. Có một điều mà nhiều người thắc mắc là tại sao trong Tam quốc chí và Đông Chu liệt quốc... các vị vua chư hầu được bề tôi gọi là “đại vương”, rồi đọc trong Thủy hử thấy mấy ông “bợm” làm chủ trại cướp cũng được đám lâu la gọi là “đại vương”, nên họ phân vân không biết giữa hai ông “đại vương” này, cách viết và cách hiểu có khác nhau không?

Trong Thủy hử, chủ trại cướp cũng được đám lâu la gọi là “đại vương”. Ảnh: Internet
Trong Thủy hử, chủ trại cướp cũng được đám lâu la gọi là “đại vương”. Ảnh: Internet

Vua và cướp

Về từ “đại vương” thì trong sách Tàu đều được được viết chung là 大 王, đều được người Việt chúng ta đọc là “đại vương”, và đều dùng cho các ông vua chư hầu và các ông “bợm” cướp, tức các đầu lĩnh lâu la. Có điều đối với người Tàu thì cách đọc lại có sự phân biệt chút đỉnh. Từ “đại vương” có hai cách đọc theo âm Bắc Kinh là [dài wáng] và [dà wáng] (hoặc [dà wang]), mặc dù có một vài tự điển xem như là một.

Đọc là [dài wáng] thì có hai nghĩa. Nghĩa 1, là từ tôn xưng ông vua nước chư hầu hoặc người có tước vương; nghĩa thứ 2 là từ dùng để chỉ ông trùm (tư bản), hoặc vua (tư bản), chẳng hạn như Rockerfeller (1839 - 1937) là “thạch du đại vương” (石 油 大 王), tức vua dầu lửa.

Đọc là [dà wáng] thì có bốn nghĩa. Tức ngoài hai nghĩa nêu trên (theo cách đọc [dài wáng]), còn có thêm hai nghĩa nữa. Nghĩa 3, là bậc thầy, dùng chỉ người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực nào đó; và nghĩa 4, là chúa trại, tức từ dùng để gọi các đầu lĩnh cầm đầu đảng cướp, trong tiểu thuyết cổ hoặc các vở tuồng cổ Trung Quốc, đại khái giống như các “đại ca giang hồ” xăm trổ hiện nay.

Như vậy thì dù đọc là [dài wáng] hay [dà wáng] thì cả hai ông cũng đều làm “sếp” như nhau, chỉ khác một đàng thì “Chúa thượng”, một đàng thì “Chúa trại”!

Nhà bác học và thầy thuốc

Nhưng chữ “đại phu” thì lại có đôi chút rối rắm.

Khi xem phim Tàu, thầy thuốc hay bác sĩ thường được gọi là đại phu; chỉ có khi nào thầy thuốc thuộc dạng “cao cấp” chuyên chữa bệnh cho hoàng tộc mới gọi là “ngự y”. Rồi ta cũng thấy có chức quan đại phu. Vậy “đại phu” là thầy thuốc có viết giống với chức quan “đại phu” hay không? Nếu “đại phu” là thầy thuốc, tức bác sĩ, vậy thì “bác sĩ” trong tiếng Hán có nghĩa là gì?

Quan đại phu hay thầy thuốc đều viết là 大 夫 và đều được người Việt chúng ta đọc là đại phu cả, song người Trung Quốc lại đọc chức quan đại phu là [dà fū], còn đọc thầy thuốc là [dài fū]. Đại phu là một cấp bậc quan chứ không phải là chức quan. Còn “đại phu” theo nghĩa thầy thuốc, tức bác sĩ ngày nay, thì người Trung Quốc gọi là “y sinh”, cao hơn nữa là “y sư” hàm ý tôn xưng. Còn từ bác sĩ (博 士) trong tiếng Hán dùng theo nghĩa khác, hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến cái nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh như ta hiểu hiện nay trong tiếng Việt cả. Từ bác sĩ của người Trung Quốc có 3 nghĩa:

1. Thời cổ đại, từ bác sĩ dùng chỉ để người học nhiều hiểu rộng, phụ trách việc giảng dạy, hoặc giữ chức quan phụ trách về thư tịch kinh điển. Ví dụ ngũ kinh bác sĩ là chức quan phụ trách về ngũ kinh của Nho giáo. Ở miền Nam, khoảng trước 1970, trên báo chí có người đưa ý kiến là chỉ gọi bác sĩ chữa bệnh là Tây y sĩ để phân biệt với các lương y là Đông y sĩ, vì họ cho rằng bác sĩ chữa bệnh cũng chỉ được đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn là y khoa thì không thể gọi là bác tức uyên bác, học nhiều hiểu rộng được. Như thế, bác sĩ theo cách hiểu của người xưa giống như hiện nay ta gọi là “nhà bác học” vậy. Vì sao một người tốt nghiệp đại học dược thì gọi là dược sĩ, còn người tốt nghiệp đại học y thì gọi là bác sĩ? Ý kiến nầy ngẫm ra cũng không phải là không có lý.

2. Hiện nay, từ bác sĩ dùng để chỉ học vị đại học. Ở nước ta thời bao cấp, có một giai đoạn tranh cãi về việc xếp khung lương bác sĩ. Một quan điểm cho rằng bác sĩ là doctor của Tây thì đương nhiên tương đương với tiến sĩ, nên phải xếp theo khung lương tiến sĩ; một quan điểm cho rằng bác sĩ mới tốt nghiệp đại học y khoa, nên chỉ xếp theo khung lương đại học.

3. Trong khẩu ngữ của người Trung Quốc, từ bác sĩ dùng để chỉ người chuyên về một nghề nào đó. Ví dụ trà bác sĩ là người chuyên kinh doanh về trà. Như vậy để trở thành bác sĩ của người Trung Quốc có lẽ không khó lắm!

Nền văn hóa Việt chúng ta chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc nên ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng theo. Nhưng qua quá trình sử dụng lâu dài, nhiều từ Hán Việt trong ngôn ngữ Việt Nam lại được hiểu theo cách khác, không còn giữ lại nguyên nghĩa trong tiếng Hán nữa. Từ bác sĩ cũng là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp khác. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận nghĩa mới và được dùng phổ biến. Nếu đi khám bệnh mà gọi “bác sĩ” là “y sĩ” cho đúng với nguyên nghĩa thì chắc có vấn đề!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại vương với đại phu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO