Nỗi lo bùng phát tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ vẫn canh cánh khi thực trạng mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) còn hiện diện khắp nơi. Do vậy, Ban ATGT tỉnh đang tìm giải pháp lâu dài để kiềm chế, giảm thiểu TNGT một cách bền vững hơn.
Còn nhiều hạn chế
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành, Mặt trận, hội đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở, TNGT trên địa bàn Quảng Nam có nhiều năm giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, có thể nhận thấy số trường hợp tử vong do TNGT còn ở mức cao. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, chưa kể đường thủy nội địa và đường sắt, tính từ ngày 15.11.2012 đến 15.12.2019, trên địa bản tỉnh xảy ra 1.838 vụ TNGT đường bộ làm chết 1.211 người, bị thương 1.684 người.
Riêng 5 tháng đầu năm 2020, TNGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa xảy ra 77 vụ khiến 68 người tử vong và gây thương tích nặng cho 58 nạn nhân khác. Đặc biệt, năm 2018 xảy ra một vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến tránh Vĩnh Điện làm chết 13 người và 4 người bị thương. Trong 5 tháng đầu năm nay, 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khiến 11 nạn nhân tử vong, lần này là trên đường thủy nội địa.
Cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng
Theo ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông với các lực lượng khác; cơ chế giám sát và chế tài xử lý đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Ngoài ra, cần thay thế hoàn toàn các ngầm trần trên các tuyến QL, ĐT để lưu thông đảm bảo trong mùa mưa; tiếp tục xây dựng, cải tạo các tuyến đường QL ủy quyền và ĐT đạt 60%. Đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam nâng cao chất lượng phần mềm quản lý thông qua thiết bị giám sát hành trình để khai thác phục vụ quản lý, xử lý vi phạm lĩnh vực vận tải có hiệu lực, hiệu quả, kịp thời.
Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhìn nhận, do sự phát triển của kinh tế - xã hội dẫn đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều và phức tạp, trong khi đó cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho hoạt động giao thông chưa tương xứng; trình độ nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của một bộ phận dân cư còn thấp. Số điểm giao cắt với đường sắt và các nút giao với quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT) chưa được cải thiện nên tai nạn vẫn có xu hướng gia tăng.
Ngược lại, công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT tại nông thôn còn hạn chế. Mạng lưới giao thông tương đối đa dạng, phức tạp; cơ sở hạ tầng giao thông dù được đầu tư nhưng chưa đảm bảo. Đơn cử, nhiều đoạn trên tuyến QL1 chỉ có 2 làn đường dẫn đến phương tiện lưu thông hỗn hợp, tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT; tuyến tránh Vĩnh Điện (Điện Bàn) hẹp, không có dải phân cách dễ dẫn đến va chạm đối đầu trực tiếp.
Về nguyên nhân chủ quan, Ban ATGT tỉnh thừa nhận một số đơn vị, địa phương chưa làm tốt tham mưu với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sự phối hợp giữa lực lượng công an với các cấp, ngành thiếu xuyên suốt và chặt chẽ; trình độ của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa đồng đều. Do yêu cầu công tác và hạn chế về nhân lực, một số địa phương đã bố trí lực lượng tham gia có nơi, có lúc chưa phù hợp.
Chưa kể, phương tiện, kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của cảnh sát giao thông ở địa phương còn thiếu, gây ảnh hưởng đến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Lực lượng làm nhiệm vụ thiếu về số lượng; chế độ, chính sách cho đội ngũ này chưa được quan tâm thỏa đáng. Ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát, xử lý vi phạm hạn chế. Hệ thống điều khiển, giám sát giao thông còn thiếu; việc hướng tới xử lý vi phạm qua hệ thống camera thay cho cảnh sát giao thông còn khó khăn…
Đề ra giải pháp toàn diện
Từ ngày 15.11.2012 đến 15.12.2019, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản 406.765 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt chuyển Kho bạc Nhà nước thu tổng sổ tiền phạt hơn 198,4 tỷ đồng. Người dân khi tham gia giao thông đường bộ thường vi phạm một số lỗi điển hình: Đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép không hợp lệ…
Quảng Nam phấn đấu giai đoạn 2020 - 2030, TNGT đường bộ hằng năm giảm từ 5 - 10% trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Để đạt mục tiêu đặt ra, Ban ATGT tỉnh cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả và trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông đường bộ. Cùng với đó, đổi mới quản lý vận tải, điều hành kinh doanh vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe; quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện.
Ông Lê Văn Sinh nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan nghiên cứu tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban ATGT quốc gia đề ra các giải pháp toàn diện, thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm bảo đảm tình hình trật tự ATGT. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT”.
Theo ông Lê Ngọc Sơn - Phó Chánh Thanh tra phụ trách ATGT Sở GTVT, các địa phương cần lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với việc chấp hành pháp luật giao thông, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật giao thông; gắn xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với tham gia giữ gìn trật tự ATGT, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thực hiện tốt các đợt cao điểm; sử dụng hiệu quả các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tập trung kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây TNGT. Các đơn vị chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa tại các bến xe, kho, bãi; xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang gây mất ATGT.
Ban ATGT tỉnh cũng sẽ phối hợp khảo sát, thống kê toàn bộ điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để có biện pháp khắc phục. Nghiên cứu, đẩy mạnh cải cách hành chính tập trung vào đăng ký xe, xử lý vi phạm trật tự ATGT và điều tra, giải quyết tai nạn, đi đôi đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác này. Phối hợp với cơ quan tư pháp tiến hành xét xử lưu động các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng để góp phần răn đe, giáo dục.
Thực hiện tốt trao đổi thông tin, kết quả điều tra, giải quyết TNGT giữa các lực lượng chức năng nhằm tổng hợp, phân tích nguyên nhân và các chỉ tiêu để nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp phù hợp, phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT. Xây dựng Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự ATGT trên QL1, các tuyến đường trọng điểm và khu vực đô thị nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong đấu tranh giảm thiểu TNGT, góp phần đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.