Đảm bảo an toàn giao thông năm 2022: Cần tháo gỡ vướng mắc

CÔNG TÚ 06/01/2022 04:56

Năm 2021, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn cần nhiều giải pháp để đảm bảo giữ vững an toàn giao thông trong thời gian tới.

Năm 2022, Tổ liên ngành cấp tỉnh sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý ô tô vi phạm tải trọng, kích thước thành, thùng xe. Ảnh: C.T
Năm 2022, Tổ liên ngành cấp tỉnh sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý ô tô vi phạm tải trọng, kích thước thành, thùng xe. Ảnh: C.T

Còn nhiều vướng mắc

Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Lê Ngọc Sơn - Ủy viên chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, so với năm trước, năm 2021 tai nạn giao thông (TNGT) giảm 24 vụ (giảm 12,3%), giảm 26 người chết (giảm 18,1%), giảm 13 người bị thương (giảm 9,5%), vượt mức chỉ tiêu đề ra là 5 - 10%. Sai phạm hoạt động vận tải, vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông được xử lý kịp thời đã tạo được niềm tin nơi người dân, đáp ứng nhu cầu đi lại và đảm bảo ATGT.

Trật tự ATGT được kiềm chế như năm 2021 có nguyên nhân khách quan là trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn.

Nếu năm 2022 đại dịch được khống chế, lưu lượng người và phương tiện trên đường sẽ đông đúc, cộng thêm một bộ phận người dân chưa chấp hành quy định của pháp luật về tham gia giao thông sẽ khiến trật tự ATGT phức tạp trở lại.

Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, nhiều hạn chế, tồn tại như hiện nay nếu không sớm được khắc phục, tháo gỡ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thực thi công vụ. Đơn cử, lực lượng chức năng còn mỏng, nhất là Thanh tra Sở Giao thông vận tải, sẽ khiến một số hành vi vi phạm chưa được phát hiện và xử lý triệt để.

Năm 2021, địa bàn Quảng Nam xảy ra 171 vụ TNGT làm chết 118 người, bị thương 124 người, thiệt hại tài sản khoảng 2,074 tỷ đồng; trong đó đường bộ xảy ra 170 vụ, làm chết 117 người, bị thương 124 người, còn lại là tai nạn đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn (năm 2020 xảy ra 2 vụ làm chết 11 người).

Ngược lại, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt còn xảy ra. Hành vi cơi nới thành, thùng xe và chở hàng hóa, vật liệu quá tải trọng cho phép, chạy quá tốc độ, chở hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, làm rơi vãi vật liệu xây dựng trong quá trình di chuyển diễn biến phức tạp.

Như tại Phước Sơn, lãnh đạo Ban ATGT huyện thừa nhận, lấn chiếm hành lang ATGT, lấn chiếm vỉa hè ở thị trấn Khâm Đức để sử dụng vào mục đích cá nhân diễn ra phổ biến; Công an huyện chưa được trang bị cân tải trọng nên không thể xử lý lỗi vi phạm liên quan; khám nghiệm hiện trường vào ban đêm để điều tra, giải quyết TNGT gặp nhiều khó khăn do thiếu máy móc...

Cần tháo gỡ vướng mắc

Đường sắt Bắc - Nam qua Quảng Nam dài 91,5km, có 58 đường ngang hợp pháp và 62 lối đi tự mở (đường ngang không hợp pháp), trong đó một số đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư đông đúc. Theo Quyết định số 2044/QĐ-UBND, muốn xóa toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ thì cần xây dựng khoảng 3km đường gom trong khu đô thị và khu đông dân cư, 23km đường gom khu vực ít dân cư và một số cầu vượt, hầm chui.

Tuy nhiên, việc xây dựng đường gom nêu trên ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt sẽ gặp khó khăn giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường giải tỏa rất lớn do người dân đã xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc đến mép ranh giới phạm vi đất dành cho đường sắt, không còn quỹ đất để bố trí đường gom.

Ông Văn Anh Tuấn cho biết đã kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ để xóa lối đi tự mở được triển khai trong phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 26 của Nghị định 56/2018/NĐ-CP.

Ban ATGT tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tăng cường tuần tra kiểm soát, bố trí trạm cân, đèn cảnh báo, camera quan sát trên các tuyến đường được giao quản lý để kiểm tra, xử lý xe chở quá tải trọng.

Đối với vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp rà soát, đề xuất phương án xử lý; cung cấp hồ sơ liên quan đến Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính để tham gia ý kiến nhưng ngành vẫn chưa nhận được phản hồi.

Liên quan đến một số vướng mắc trên địa bàn Phước Sơn, Ban ATGT huyện kiến nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh kiểm tra, xử lý nhà thầu không thực hiện biện pháp an toàn trong quá trình thi công, sửa chữa đường Hồ Chính Minh; tăng cường xử lý vi phạm của mô tô, ô tô chở vật liệu xây dựng quá tải trọng trên đường Hồ Chí Minh.

Địa phương đề nghị lập lại trật tự ở điểm giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E, khi nơi đây thường xuyên có nhiều ô tô tải, xe khách đậu đỗ thời gian dài, làm che khuất tầm nhìn, góc ghi hình của các phương tiện và camera an ninh...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn giao thông năm 2022: Cần tháo gỡ vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO