Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Khuyến cáo tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được nhiều địa phương đưa ra.
Tác nhân gây ngộ độc
Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết, nhiệt độ ngoài trời từ 37 - 40 độ sẽ rất lý tưởng để vi khuẩn, vi rút phát triển nhanh. Trong các thực phẩm kém chất lượng thường xuất hiện 7 loại vi khuẩn. Những loại vi khuẩn này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Mùa hè cũng là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi... Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, việc người dân lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài là thói quen chưa tốt. Khi để thực phẩm quá lâu trong môi trường, nhất là khi nhiệt độ nắng nóng dễ khiến thực phẩm bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập.
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), kiến thức về ATTP của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đã được nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về ATTP còn hạn chế. Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Lựa chọn thực phẩm
Để tránh ngộ độc thực phẩm, cần nâng cao ý thức của người dân về việc lựa chọn thực phẩm cho mình. Bà Lê Thị Hồng Cẩm cho rằng, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch và bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống chín, uống đủ nước…..
Mùa hè cũng là mùa bắt đầu cao điểm về du lịch. Các địa phương sẽ đón một lượng lớn du khách từ các nơi. Đặc biệt, tại những khu du lịch trên địa bàn tỉnh, lượng khách sẽ tăng mạnh kéo theo nhu cầu ăn uống cũng sẽ tăng. Tuân thủ quy trình vệ sinh ATTP tại các khu du lịch là điều cần được quan tâm. Đây cũng là thời điểm lực lượng chức năng cùng cơ sở dịch vụ ăn uống phải hoạt động tốc lực để đảm bảo ATTP và tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách.
Hiện tại, ở chợ Hội An, tại quầy thực phẩm nấu chín, các quầy sạp đều gọn gàng với các tủ kính, khay đựng thức ăn, bàn, ghế... được bố trí hợp lý. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày. Hầu như tiểu thương đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tất cả mặt hàng đều có xuất xứ, in nhãn hiệu...
Sau khi kết thúc đợt cao điểm của “Tháng hành động vì ATTP”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra ATTP định kỳ và đột xuất, xuyên suốt trong cả năm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn… Đây chính là động thái để ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm.
Đồng thời, chi cục cũng yêu cầu các địa phương phải duy trì hệ thống thông tin cảnh báo nhanh sự cố ATTP; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...