(QNO) – Vụ chìm ca nô chở khách du lịch trên vùng biển Cửa Đại chiều 26.2 cho thấy những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, giám sát hoạt động các phương tiên ra vào đảo Cù Lao Chàm (Hội An) thời gian qua cần được xem xét khắc phục.
Nhiều cơ quan quản lý
Cách đất liền khoảng 17km, Cù Lao Chàm là hòn đảo đặc thù vì không chỉ nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà còn là khu vực an ninh quốc phòng.
Kể từ năm 2009, hoạt động du lịch nơi đây diễn ra khá nhộn nhịp với hàng trăm nghìn lượt khách tham quan lưu trú mỗi năm, riêng năm 2019, Cù Lao Chàm đón khoảng 420 nghìn lượt khách du lịch.
Để đưa khách ra đảo, các doanh nghiệp du lịch phải chịu sự quản lý, giám sát của 5 cơ quan gồm Ban quản lý Bến thủy bộ Hội An, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (bán phí), UBND xã Tân Hiệp (thu phí môi trường), Đồn Biên phòng Cửa Đại và Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở GT-VT). Ngoài ra, còn có thể kể đến Thanh tra Sở GT-VT và Cảnh sát giao thông kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Ba đơn vị gồm Ban quản lý Bến thủy bộ Hội An, Đồn Biên phòng Cửa Đại và Cảng vụ đường thủy nội địa sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các thủ tục giấy tờ, trang thiết bị cứu sinh, số người đi trên tàu… trước khi cho phương tiện xuất bến.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, do việc quản lý hoạt động vận chuyển du lịch tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm phần nhiều liên quan đến các cơ quan của tỉnh nên một số vướng mắc, tồn tại bản thân thành phố khó thể quyết định. Do đó, sắp tới thành phố sẽ đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng một Trạm quan sát ngay cửa ra vào cảng, bố trí ca nô túc trực, nhất là trong mùa du lịch (tàu thuyền hoạt động nhiều) chủ động tình hình, khi có sự cố triển khai nhanh. Đặc biệt, đề nghị Cục Quản lý đường thủy nội địa tăng thời gian kiểm tra luồng lạch để đặt phao tiêu đúng, bởi các cồn cát, luồng lạch khu vực biển Cửa Đại thay đổi, bồi lấp liên tục hàng tháng, hàng tuần, nhất là sau một đợt gió mùa đông bắc, trong khi Cục Quản lý đường thủy nội địa 6 tháng mới khảo sát luồng lạch thả phao tiêu một lần là quá lâu, không sát tình hình thực tế.
“Tàu thuyền đi theo phao tiêu nên nếu mắc cạn thì trách nhiệm thuộc Cục Quản lý đường thủy nội địa, do vậy hàng tháng Cục Quản lý đường thủy nội địa phải khảo sát để điều chỉnh lại phao cho chính xác, tránh trường hợp tàu thuyền mắc cạn hoặc đâm vào cồn cát”, ông Sơn nói.
Siết chặt quản lý
Tính đến năm 2022, số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận chuyển du lịch tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm khoảng 38 đơn vị với khoảng 90 ca nô cao tốc. Có ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân vụ tai nạn là do ca nô chạy nhanh, tuy nhiên ông Lê Ngọc Sơn – Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT cho biết, tốc độ tàu cao tốc được quy định theo đăng kiểm (tùy thuộc công suất máy và thời tiết, điều kiện luồng lạch…) nên việc kiểm tra việc tuân thủ những quy định này khó vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố kể cả thiết bị.
“Sắp tới Thanh tra Sở GT-VT sẽ tăng cường công tác kiểm tra xử lý việc chấp hành điều khiển phương tiện của thuyền viên; phối hợp với cảnh sát đường thủy xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra việc chấp hành an toàn giao thông đường thủy bao gồm chấp hành về điều kiện an toàn, điều kiện phương tiện và điều kiện đội ngũ thuyền viên. Đặc biệt, chủ phương tiện phải đảm bảo chạy đúng tuyến và phương tiện còn trong thời hạn kiểm định, đồng thời phải trang bị đầy đủ các dụng cụ thiết bị cứu sinh, người điều khiển phải đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn theo quy định như chứng chỉ, bằng lái… phù hợp với phương tiện điều khiển”, ông Lê Ngọc Sơn thông tin.
Ông Nguyễn Văn Sơn khuyến nghị, yếu tố lưu ý sau vụ tai nạn chính là cần xem xét lại loại tàu chở khách chuẩn SB liệu có phù hợp với tuyến đường ngắn Hội An - Cù Lao Chàm.
“Lợi thế của tàu SB là chở được nhiều người, không bị sóng tạt ướt như đi ca nô hoặc tàu SI nhưng khi có sự cố thì cực kỳ khó khăn. Mấy năm trước cũng xảy ra lật ca nô nhưng đâu có chuyện như vừa qua, nhưng từ khi có tàu SB thì thiệt hại nặng quá, vì nó bịt bùng, khách khó thoát ra ngoài. Nếu là tàu cũ (SI) thì mình sẽ vớt được ngay, mười mấy năm nay cũng xảy ra vài vụ lật tàu rồi nhưng mình đều cứu được cả”, ông Sơn nói, đồng thời cho rằng, sau sự cố chìm tàu các cơ quan liên quan nên tập trung vào một số vấn đề cụ thể.
Đầu tiên, phải có hệ thống cảnh báo thời tiết trong ngày và trong khu vực, bởi có thể có những đợt sóng bất ngờ hay gió lốc bất ngờ. Thứ hai, luồng tuyến phải đảm bảo nạo vét thường xuyên để đủ sâu, tàu chạy an toàn, hệ thống phao luồng phải định vị cho chính xác. Thứ ba, phương tiện phải đảm bảo an toàn kiểm định. Thứ tư, đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp, không nên tranh đua, giành khách, đặc biệt cần có sự giám sát của khách du lịch, nếu thấy ca nô chạy không an toàn thì phải cảnh báo, yêu cầu chạy an toàn.
Trả lời báo chí ngày 28.2, ông Nguyễn Vũ Hải - Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tàu khách cao tốc có thiết kế thon, nhỏ, gọn để chạy nhanh; khi hoạt động trên biển phải kín, bởi nếu hở thì trong điều kiện sóng, gió, nước tạt mạnh sẽ tràn vào khoang khách gây mất ổn định, có thể dẫn đến chìm tàu, đe dọa an toàn của hành khách. Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định với tàu khách cao tốc sau khi đã nghiên cứu đánh giá tất cả rủi ro trong hoạt động của tàu đến mức chấp nhận được.
Đối với vấn đề cứu nạn tàu SB khi xảy ra tai nạn, ông Hải cho rằng, không thể nói cảm tính là nếu mui hở thì hành khách sẽ thoát. Vì nếu mui hở, vận hành tàu bình thường đã tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho tàu và hành khách. Dù vậy, với tàu 35 chỗ ngồi tương tự có cùng lượng chiếm nước và các kích thước chính, nếu chỉ chạy tốc độ dưới 10 hải lý/h thì không phải là tàu cao tốc nên không bắt buộc khoang khách kín. Các chủ tàu có thể chở khách theo nhu cầu.