Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống: Tự kiểm tra là trên hết

BÌNH NGUYÊN 09/10/2018 06:04

Việc giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được nhiều tổ chức, cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì ý thức tự kiểm tra nguồn thức ăn của chủ cơ sở là trên hết.

Kinh doanh thức ăn trên đường Nguyễn Duy Hiệu, TP.Tam Kỳ. Ảnh: B.N
Kinh doanh thức ăn trên đường Nguyễn Duy Hiệu, TP.Tam Kỳ. Ảnh: B.N

Mới đây, đoàn giám sát của HĐND TP.Tam Kỳ tổ chức kiểm tra ATVSTP tại một số bếp ăn tại các trường tiểu học, mẫu giáo, nhóm lớp mầm non trên địa bàn phường Hòa Hương. Qua đây, đoàn giám sát phát hiện một số trường chưa thực hiện đảm bảo về việc phòng chống côn trùng, vệ sinh khu sơ chế, các vật dụng chén bát, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm… Có trường hợp nguồn thực phẩm được lấy từ các cơ sở có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP nhưng việc tự kiểm tra chất lượng các cơ sở này chưa được quan tâm thực hiện; một số giấy cam kết không đúng quy định pháp lý nhưng nhà trường chưa kiểm tra lại. Ông Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ (thành viên đoàn giám sát) cho biết: “Giấy cam kết đảm bảo ATVSTP là để các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn tự giác nâng cao nhận thức của mình. Cơ quan chức năng cũng không thể thường xuyên giám sát việc chấp hành của các cơ sở này. Do vậy, các trường học phải có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên và trực tiếp nguồn cung cấp thức ăn, nước uống để đảm bảo an toàn vệ sinh cho trẻ em, học sinh”.

Cũng theo ông Huy, vai trò quản lý ATVSTP các bếp ăn tập thể tại các trường học thuộc quản lý của UBND xã phường và Phòng GD-ĐT thành phố. HĐND thành phố và các đơn vị chuyên môn như Phòng y tế, Đội kiểm tra liên ngành có vai trò giám sát việc quản lý này cũng như kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu hoặc phát hiện sai phạm. “Do vậy, UBND các xã phường ngoài việc tích cực hỗ trợ về mặt pháp lý đảm bảo điều kiện, tập huấn kiến thức thì cần tuyên truyền để các trường học nâng cao nhận thức tự phòng, tự bảo vệ khi mua và chế biến thức ăn cho trẻ, học sinh” - ông Huy nói thêm.

Theo báo cáo từ các địa phương, phường Hòa Hương có 39 cơ sở dịch vụ ăn uống và 40 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; tại phường An Xuân có 122 cơ sở dịch vụ ăn uống và 58 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong tháng 9.2018, đã có 25 cơ sở trên địa bàn phường An Xuân được kiểm tra về ATVSTP, nhưng chỉ có 5 cơ sở đạt yêu cầu. Theo ông Nguyễn Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND phường An Xuân, việc quản lý, kiểm tra ATVSTP, nhất là tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thực phẩm về địa bàn bằng nhiều con đường nên khó kiểm soát hết nguồn gốc và chất lượng. Hệ thống đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của địa phương còn thiếu. Các cơ sở bán thức ăn đường phố là những gánh hàng rong không ổn định nên công tác tuyên truyền về ATVSTP gặp nhiều khó khăn. Còn ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương nói: “Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc nâng cao ý thức tự kiểm tra, tự giám sát nguồn gốc thực phẩm mà mình chọn lựa”.

BÌNH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống: Tự kiểm tra là trên hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO