Thời gian gần đây, ngoài việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, các trường trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến chất lượng bữa ăn của trẻ nhỏ, quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn vệ sinh, và dinh dưỡng.
Ngoài chất lượng và chế độ dinh dưỡng, Trường Mầm non Tư thục Blue Sky (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) luôn chú trọng lồng ghép các chương trình chơi và học trong các bữa ăn cho trẻ. Ảnh: Q.L |
AN toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh đang có con theo học bán trú, sử dụng các bữa ăn học đường. Trước nỗi lo về thực phẩm “bẩn” hiện nay, để tạo sự yên tâm cho các bậc cha mẹ, nhiều trường mầm non, tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng đến việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao chất lượng, cân bằng chế độ dinh dưỡng và lồng ghép các chương trình học, rèn luyện kỹ năng trong từng bữa ăn của các em nhỏ.
Mới thành lập từ tháng 9.2018 nhưng Trường Mầm non Tư thục Blue Sky (phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh về chất lượng bữa ăn học đường. Trường đã đưa vào sử dụng mô hình bếp ăn một chiều với trang thiết bị hiện đại, chú trọng nâng cao trình độ của các nhân viên cấp dưỡng, hợp tác với các công ty cung cấp nguyên liệu uy tín, chứng minh nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. “Bên cạnh việc kiểm tra, đảm bảo chất lượng từ nguồn cung ứng thực phẩm đến khâu chế biến và bảo quản sản phẩm, trường còn tổ chức trồng rau, củ để tự cung cấp cho bữa ăn của trẻ. Dù không thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu rau xanh của cả trường, nhưng đã giảm bớt phần nào nỗi lo VSATTP của các bậc phụ huynh” – cô Huỳnh Thị Thu Huệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Ngoài đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho trẻ, một số trường còn lồng ghép các chương trình học, giáo dục kỹ năng, rèn tính tự lập, xếp hàng trật tự cho các em thông qua các bữa ăn, trong đó Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là một ví dụ. Ở trường, đối với học sinh lớp 4 và 5, trước bữa ăn, một lớp sẽ cử ra các bạn gương mẫu đại diện lớp, xếp hàng, lấy thức ăn và chia phần cho các bạn. Kết thúc bữa ăn, chén, muỗng, đũa sau khi sử dụng được các em phân loại ra, để gọn gàng cho các cô tới lấy…
Nếu như ở thành phố, các trường có những điều kiện thuận lợi hơn thì ở miền núi do điều kiện khó khăn, nguồn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn chưa được nhà trường chú trọng. Phần lớn nhân viên đứng bếp chưa qua đào tạo, chủ yếu là ký hợp đồng lao động ngắn hạn nên không tạo sự gắn bó, chuyên nghiệp. Ngoài ra, các trang thiết bị, dụng cụ vẫn còn thiếu, diện tích bếp chật hẹp, chưa đúng tiêu chuẩn bếp ăn một chiều như quy định. Thầy Nguyễn Đông Vũ (Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Liên xã Ch’Ơm - Ga Ri, huyện Tây Giang) chia sẻ, do nằm ở biên giới xa xôi, đường đi khó khăn nên nhà trường phải nhập thức ăn từ dưới xuôi lên hai ngày một lần. Trong khi đó, không có điện, tủ lạnh, việc bảo quản thức ăn chỉ mang tính tạm bợ, khó khăn. “Hiện trường có 171 suất ăn cho các em bán trú, mỗi suất ăn chỉ được trợ cấp 8 nghìn đồng, trong khi đó, tiền chi phí nhiều gấp đôi so với các nơi khác. Vậy nên, làm sao để bảo đảm đủ dinh dưỡng trong một khẩu phần ăn cho các em là điều khiến chúng tôi băn khoăn. Mặc dù đã cố gắng tự trồng rau, nuôi heo gà vịt… nhưng chất lượng bữa ăn của các em không mấy cải thiện” - thầy Đông trăn trở.
Có thể thấy, những năm gần đây, các trường bán trú trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Tuy nhiên, để có bữa ăn chất lượng và an toàn, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho các em, thì bên cạnh sự đồng hành của các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSTP, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm cũng rất cần sự nỗ lực từ phía nhà trường và phụ huynh.
KIỀU LY