Siết chặt phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân vùng có dịch, nhất là những khu vực giãn cách - mục tiêu này đang được các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Chủ động nguồn hàng
Chợ Vĩnh Điện là trung tâm mua bán lớn nhất thị xã Điện Bàn. Kể từ khi phát hiện ca F0 ở khu vực chợ vào giữa tháng 8, mọi hoạt động buôn bán nơi đây được siết chặt nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện cho biết, thực hiện Chỉ thị 16, những ngày qua đã phân luồng, bố trí lại hoạt động kinh doanh trong chợ nhằm đảm bảo thực hiện giãn cách, phòng chống dịch hiệu quả.
Theo đó, những gian hàng không thiết yếu tạm thời đóng cửa, chỉ duy trì các quầy hàng gia vị, lương thực, thực phẩm… Khoảng 200/500 gian hàng được mở cửa hoạt động trong đợt dịch này.
“Ngoài đội bảo vệ 3 người thường xuyên tuần tra, nhắc nhở mọi người thực hiện quy tắc 5K. Ngoài cổng chính, các lối vào chợ khác đều được rào kín để dễ kiểm tra kiểm soát người ra vào. Đến nay, toàn bộ tiểu thương trong chợ đã được xét nghiệm Covid-19 lần thứ 3 và đều âm tính” - ông Tuất nói.
Điện Bàn có khoảng 23 chợ dân sinh. Từ ngày 16.8, khi thị xã thực hiện giãn cách xã hội, việc đảm bảo nguồn hàng thiết yếu cho dân, nhất là thực phẩm tươi sống (cá, thịt, rau củ quả…) được xem là vấn đề cấp thiết, nhất là khi các nguồn cung ứng từ Đà Nẵng, Đại Lộc, Hội An trở nên khó khăn.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, điều này không đáng lo ngại bởi nguồn cung nông sản trên địa bàn thị xã khá nhiều.
“Điện Bàn có vùng chuyên canh rau và chăn nuôi tại chỗ dồi dào, nên trong thời gian ngắn hạn sẽ không lo thiếu nguồn cung. Vấn đề chỉ là việc phân phối đến người tiêu dùng, hiện chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương phân công các hội đoàn thể đi chợ giúp dân nên tình hình cung ứng diễn ra thông suốt” - ông Hà nói.
Tính đến ngày 24.8, toàn tỉnh có 5 huyện, thị xã và thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 toàn bộ hoặc một phần gồm: Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Các địa phương này đều đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ.
Tại huyện Hiệp Đức, mặc dù chợ Tân An (thị trấn Tân Bình) đã bị đóng cửa để truy vết, nhưng việc cung ứng hàng hóa cho người dân trong vùng phong tỏa vẫn ổn định nhờ nguồn hàng tại chỗ và hỗ trợ của tỉnh.
Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng các bãi tập kết trung chuyển hàng hóa tại vùng giáp ranh các xã Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà… để nhận hàng các nơi khác về, cũng như bố trí thêm khu chợ tạm (bến xe Hiệp Đức) nhằm tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đảm bảo cung ứng
Ngày 19.8, UBND tỉnh có công văn bản gửi các sở ngành, địa phương về việc tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cũng như xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các khu cách ly, phong tỏa… theo từng cấp độ.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, việc phát huy phương án 4 tại chỗ (tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp) cần được xác định là giải pháp quan trọng.
Tại Đại Lộc, sau khi một số địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16, đơn vị đã tổ chức thống kê sản lượng nông sản trên địa bàn để có cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng tại chỗ, bước đầu có thể tự tin đảm bảo cung ứng cho người dân.
“Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt, cá…) dù có hao hụt hơn do Đà Nẵng không cung cấp lên được nhưng điều này cũng không đáng lo vì tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn rất nhiều, về lâu dài có thể tự cung ứng tại chỗ được” - ông Phương chia sẻ.
Qua tìm hiểu một số địa phương và các đầu mối cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân chống dịch, hầu hết khẳng định đảm bảo được yêu cầu, kể cả có phương án dự phòng chi viện cho những nơi cấp thiết.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát thì diện tích các vùng chăn nuôi, sản xuất nông sản của tỉnh tương đối lớn nên đến thời điểm hiện tại tình trạng khan hiếm hầu như không diễn ra.
Theo đại diện siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, dù chuỗi cung ứng hàng từ TP.Hồ Chí Minh bị đứt gãy, nhưng do chủ động từ trước nên nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ổn định. Bình quân mỗi tuần Co.opMart Tam Kỳ nhập 4 chuyến hàng rau củ quả từ Đà Lạt với số lượng lớn.
Ngoài ra, siêu thị cũng có nguồn cung ứng nông sản thường xuyên từ Phú Mỹ (Phú Ninh) và Trường Xuân (Tam Kỳ) mỗi ngày khoảng 1,5 tấn nên đảm bảo cung cấp cho người dân trên địa bàn Tam Kỳ và các vùng lân cận, kể cả sẵn sàng cung ứng nơi khác trên địa bàn tỉnh nếu thiếu hụt.