Tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng, tác động mạnh mẽ hơn về mặt nhận thức là giải pháp để tăng cường hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2023.
Tăng cường quản lý
Hoạt động vận tải đã được khôi phục mạnh mẽ sau thời gian diễn ra dịch COVID-19, mạng lưới vận tải hành khách hoạt động bình thường như thời điểm trước dịch.
Thời gian qua, Sở GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị vận tải tăng cường công tác quản lý trong hoạt động vận tải, quản lý lái xe, phương tiện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông.
Song song, công tác kiểm tra giám sát được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên hơn nhằm tăng hiệu quả răn đe. Trong năm 2022, Sở GT-VT thực hiện thu hồi 135 phù hiệu, biển hiệu đã cấp đối với các phương tiện do vi phạm tốc độ, thu hồi 7 giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị vận tải vi phạm.
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho hay, năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện hơn 23.200 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước gần 35 tỷ đồng tiền phạt của hơn 18.500 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với hơn 2.500 trường hợp. Đáng chú ý, có đến hơn 1.900 trường hợp bị xử lý liên quan vi phạm nồng độ cồn, hơn 1.500 trường hợp vi phạm liên quan tải trọng. Qua hệ thống giám sát an ninh trật tự trên tuyến quốc lộ 1, đơn vị này cũng phối hợp với Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh trích xuất dữ liệu và gửi thông báo cho 472 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lập biên bản 241 trường hợp, xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GT-VT nhận định, năm 2023, hoạt động vận tải sẽ tăng mạnh khi kinh tế ổn định hơn sau đại dịch.
“Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ; nếu chủ quan, thiếu kiểm soát, sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Yêu cầu đặt ra là phải tái lập trật tự an toàn giao thông mạnh mẽ hơn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Đối với hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã rất quan tâm, Sở GTVT sẽ có giải pháp cân đối nguồn vốn để sửa chữa căn cơ các tuyến, góp phần giảm tai nạn giao thông. Các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo sự khởi sắc trong việc xóa bỏ các điểm đen giao thông, khắc phục những hạn chế còn tồn tại” - ông Tuấn cho biết.
Tác động sâu vào nhận thức
Vừa tăng cường công tác quản lý an toàn giao thông về vận tải đường thủy nội địa, ngành giao thông vận tải vừa rà soát quy định của pháp luật, vướng mắc, chồng chéo trong tổ chức thực hiện để tham mưu UBND tỉnh, báo cáo và làm việc trực tiếp đề xuất Bộ GT-VT có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ.
Đường bộ, đường thủy nội địa và cả đường sắt đều được áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn, chú trọng kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa của các đơn vị được cấp phép. Tuy nhiên, lỗi chủ quan, nhận thức chưa cao của người tham gia giao thông vẫn là nguyên nhân chính, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Đại diện Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng nói, tình trạng các lối đi tự mở xâm phạm hành lang an toàn vẫn còn tái diễn. Nhiều vị trí, đơn vị đã rào thu hẹp cấm ô tô, song người dân tự tháo dỡ để điều khiển xe qua đường sắt. Đơn vị này cũng phát hiện 7 trường hợp đổ đất, vật liệu xây dựng hoặc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn đường sắt, song chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, với mật độ phương tiện hiện tại, thực trạng giao thông và ý thức của người tham gia giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông luôn thường trực.
"Việc xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng vẫn mang tính răn đe là chủ yếu. Quan trọng là phải có sự phối hợp đồng bộ, phát huy hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, nhất là ở các chợ tự phát, chợ tạm.
Đặc biệt, tuyến đường 129 (đường Võ Chí Công) đang trong giai đoạn hoàn thiện, lưu lượng phương tiện lớn nhưng thiếu hệ thống cảnh báo an toàn cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần sớm lắp đặt hệ thống cảnh báo" - Thượng tá Hồ Song Ân cho hay.
Đánh giá cao những tác động tích cực của công tác tuyên truyền trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, đây vẫn là giải pháp mang tính căn cơ để giảm tai nạn giao thông trong năm 2023.
“Cần có sự vào cuộc ngay từ đầu năm, duy trì và mở rộng các hình thức tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người dân.
Các cấp ngành phải quán triệt nghiêm túc, triển khai kịp thời các chỉ đạo về đảm bảo an toàn giao thông, mở rộng thông tin trên không gian mạng để người dân nắm bắt. Hoạt động tuần tra, giám sát cũng cần phải được duy trì chặt chẽ, phát huy hiệu quả của camera giám sát, quản lý chặt việc cấp phép, thực hiện các quy định về an toàn giao thông” - ông Quang nói.