Đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Thiếu giải pháp bền vững

CÔNG TÚ 13/06/2017 08:27

Từ thực tế cho thấy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh đang còn tồn tại nhiều vấn đề, khiến cho việc kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) chưa bền vững.

Tồn tại

Bằng các giải pháp quyết liệt, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh được triển khai thời gian qua cho thấy được những thành quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, Quảng Nam đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, bức xúc. TNGT theo từng năm đều giảm cả 3 tiêu chí. Đơn cử như năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 260 vụ, làm chết 162 người và bị thương 251 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 14 (giảm 5,1%), giảm 9 người chết (giảm 5,3%) và giảm 14 người bị thương (giảm 5,3%). Tuy nhiên, TNGT giảm lại chưa bền vững, số vụ rất nghiêm trọng còn xảy ra.

Một vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra tại nút giao quốc lộ 1 với ĐH8.ĐB. Ảnh: C.T
Một vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra tại nút giao quốc lộ 1 với ĐH8.ĐB. Ảnh: C.T

Mổ xẻ thực tế, dễ dàng nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT được triển khai rộng khắp nhưng ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - Thượng tá Phan Thanh Hồng, thống kê cho thấy, nhiều vụ tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý đối tượng phạm luật vẫn chưa triệt để. Đó là, hành lang đường bộ bị lấn chiếm, tái lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, họp chợ, đậu đỗ phương tiện cơ giới gây mất an toàn và mỹ quan đô thị, nhất là các chợ trên tuyến quốc lộ 1 và thị trấn nhưng chưa được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý triệt để. Vi phạm hành lang đường sắt diễn ra khá phổ biến. Toàn tuyến qua địa bàn Quảng Nam mọc lên đến 72 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Trong khi đó, nạn khai thác cát trái phép đang đe dọa mức độ an toàn của đường thủy nội địa.

Để công tác đảm bảo trật tự ATGT ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định đến cơ sở, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Chính phủ thay đổi Quyết định 57/2011/QĐ-TTg ngày 18.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng kiện toàn Ban ATGT tỉnh, huyện, thị xã, thành phố có mô hình hoạt động thống nhất; bố trí biên chế chuyên trách cho Ban ATGT cấp huyện; Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT theo hướng để lại cho ngân sách địa phương và phân bổ hợp lý giữa các cơ quan, đơn vị tham gia làm nhiệm vụ. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư BOT quốc lộ 1 lắp đặt thiết bị chống lóa vào ban đêm tại dải phân cách 2 làn đường ở đoạn tuyến ngoài khu vực dân cư; đẩy nhanh tiến độ hoàn trả biển báo, điểm dừng và nhà chờ xe buýt; xem xét mở rộng một số đoạn tránh xe kết hợp với điểm dừng đón, trả khách. Ngoài khẩn trương hoàn thành lắp đặt cụm đèn tín hiệu giao thông theo cam kết, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo nhà đầu tư BOT lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu nơi giao nhau giữa quốc lộ 1 với tuyến ĐH8.ĐB (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngày 14.4.2014, UBND tỉnh đã thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động gồm 2 lực lượng Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để kiểm tra và xử lý phương tiện chở quá tải trọng cho phép. Trạm duy trì hoạt động thường xuyên, thời gian kiểm tra 24/24 giờ. Nhưng kể từ ngày 20.9.2016, lực lượng vừa nêu phải tạm dừng phối hợp theo chỉ đạo của Bộ Công an. Theo ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT, trạm cân do đơn vị vận hành luôn tái diễn việc tài xế lái xe tốc độ nhanh vào ban đêm để tránh dừng, dù thanh tra viên đã phát ra hiệu lệnh. Cho nên, Công an tỉnh cần quan tâm chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ bằng cách bố trí camera giám sát tốc độ cao qua trạm cân để có cơ sở phạt nguội. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê cho rằng, vì chưa có cán bộ chuyên trách, hoạt động của Ban ATGT cấp huyện đang cho thấy sự thiếu hiệu quả trong tham mưu điều hành xử lý công việc. TNGT giảm thiếu bền vững còn bởi hạ tầng đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu trước sự gia tăng của lưu lượng phương tiện, hiển hiện là bề mặt các tuyến quốc lộ trung ương ủy thác quản lý chật hẹp, quốc lộ 1 còn gần 20 điểm có nguy cơ mất ATGT. Trong lúc, cứ bình quân gần 2 người dân trên địa bàn tỉnh đã sở hữu 1 xe máy.

Cần giải pháp khả thi

Làm việc với đoàn kiểm tra Ủy ban ATGT quốc gia vào giữa tuần qua, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và các thành viên đã đề xuất nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ để thực thi giải pháp thật sự hữu hiệu. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh - Đại tá Nguyễn Đức Chỉ kiến nghị Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an hỗ trợ thêm xe tuần tra chuyên dụng cho Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và công an các địa phương. “Đưa vào sử dụng hơn 10 năm qua, các xe tuần tra của đơn vị đã cũ, khó đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh có trang bị mấy xe, nhưng không đáp ứng đủ” - Đại tá Nguyễn Đức Chỉ viện dẫn thực tế. Ông Võ Quang Lâm thì kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị camera giám sát tốc độ cao để lắp đặt tại trạm cân lưu động. Xe nào phóng nhanh tránh dừng, Thanh tra Sở GTVT sẽ cung cấp biển kiểm soát phương tiện vi phạm cho Cục Đăng kiểm Việt Nam nắm bắt, xử lý. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, về tổng thể TNGT đường sắt có giảm, song trong giai đoạn cụ thể nào đó lại diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Bộ GTVT cần có giải pháp giảm thiểu ngay nguy cơ bằng cách lập đường gom để xóa đường ngang dân sinh. Còn nếu cho tồn tại hoặc bắt buộc phải mở, ngành đường sắt cần bố trí người canh gác.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Thiếu giải pháp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO