Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một giải pháp trọng tâm mà Tỉnh đoàn đã và đang thực hiện.
Thời gian qua, các cơ sở đoàn đã tổ chức phổ biến pháp luật về TTATGT cho đoàn viên dưới nhiều chủ đề. Ưu tiên nội dung xoay quanh việc thực hiện quy tắc giao thông đường bộ, phòng chống uống rượu, bia đối với lái xe; đội mũ bảo hiểm; quy tắc an toàn khi vượt qua đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện thủy chở khách; vận động người đi đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”…
Đoàn viên thanh niên huyện Đại Lộc tham gia hướng dẫn, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: C.T |
Những phần việc gây ấn tượng mà đoàn đã góp phần vào công tác đảm bảo TTATGT là thực hiện nhiều mô hình liên quan. Ngoài mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường học, các đoàn cơ sở còn triển khai đội tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường vào các giờ cao điểm; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm TTATGT, vận động học sinh không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định. Không ít cơ sở đoàn linh hoạt áp dụng cách làm sáng tạo, tác động trực tiếp đến ý thức của đông đảo người dân. Tại Điện Bàn, anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện đoàn cho hay, “Bến đò ngang an toàn”, “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn” là những mô hình mà địa phương triển khai đạt kết quả. Còn anh Đoàn Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho biết, mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản” hay “Ánh sáng đường làng” mà địa phương thực hiện chứng tỏ vai trò xung kích của tuổi trẻ góp phần đảm bảo TTATGT.
Trong năm 2014, Tỉnh đoàn chỉ đạo tổ chức đoàn các xã, phường, thị trấn và các trường học phối hợp xây dựng chuyên mục ATGT trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, thi ảnh, các tiểu phẩm về văn hóa giao thông cho thanh niên, học sinh tại địa phương. Thông qua các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề sẽ ưu tiên phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông; mời những người là nạn nhân tới nói chuyện với thanh niên, thiếu nhi. “Chúng tôi yêu cầu mỗi địa phương tổ chức ít nhất một hoạt động hưởng ứng “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” tập trung vào tháng 3, chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” từ tháng 6 - 8, Tháng ATGT - tháng 9” - anh Phan Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nói.
Kỳ vọng hoạt động đi vào thực chất, Tỉnh đoàn yêu cầu các cơ sở trực thuộc ký cam kết đơn vị không có đoàn viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi hoặc ngồi sau mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không có đoàn viên tham gia cổ vũ đua xe, đua xe trái phép mất TTATGT; không sử dụng rượu, bia và chất kích thích bị cấm trước khi điều khiển phương tiện. Theo anh Đoàn Ngọc Tuấn, Huyện đoàn Đại Lộc chú trọng tổ chức các hoạt động xây dựng “văn hóa giao thông” trong học sinh THPT, thành lập đội xung kích thực hiện điều tiết giao thông tại cổng học đường. Phát động Năm thanh niên tình nguyện, đoàn viên thị trấn Ái Nghĩa và Công an huyện phối hợp điều tiết giao thông tại ngã tư Ái Nghĩa, định kỳ ra quân thực hiện các phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh”...
Theo anh Thái Bình - Bí thư Tỉnh đoàn, sắp tới sẽ nhân rộng các mô hình đã triển khai có hiệu quả. Tổ chức đội thanh niên tình nguyện tham gia vào giờ cao điểm nơi có học sinh đi đò, hướng dẫn mặc áo phao hoặc sử dụng thiết bị cứu sinh; nhắc nhở các chủ đò và người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định ATGT đường thủy nội địa; ứng cứu khi tai nạn xảy ra. Tổ chức các khóa học bơi cho thiếu nhi, phòng chống đuối nước cho học sinh tại địa phương vào dịp hè. Các huyện, thành phố có đường sắt đi qua xây dựng ít nhất một mô hình “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn”. Tỉnh đoàn cũng sẽ có kế hoạch lồng ghép khen thưởng, gặp gỡ các thanh thiếu nhi, các mô hình, đội hình tiêu biểu của Đoàn, Hội, Đội tham gia tuyên truyền và bảo đảm TTATGT.
CÔNG TÚ