Tai nạn giao thông (TNGT) giảm 3 tiêu chí là thành quả đáng mừng, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2016 - 2020 còn đó bao nỗi lo, mà chủ yếu đến từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông.
Giảm sâu 3 tiêu chí
Trong 5 năm qua, TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 1.120 vụ, làm chết 762 người và bị thương 955 người. So với cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, số vụ giảm 392 (giảm 25,9%), giảm 289 người chết (giảm 27,5%), giảm 445 người bị thương (giảm 31,8%).
Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, Quảng Nam không những đạt được mục tiêu giảm bình quân 5 - 10%/năm cho cả ba tiêu chí mà Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia đề ra, mà còn giảm sâu với hơn 25% trở lên cho mỗi tiêu chí. Thành quả đáng ghi nhận trên một lần nữa chứng tỏ sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của các cấp, ngành, địa phương.
Một điểm đáng chú ý, các cơ quan thông tin truyền thông tích cực, kịp thời phản ánh hoạt động chuyên ngành, tăng cường sản xuất, đăng tải các sản phẩm tuyên truyền đã tác động mạnh đến ý thức của người dân.
Ban ATGT tỉnh nhìn nhận, TNGT được giảm thiểu còn nhờ vào việc siết chặt quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm lưu lượng phương tiện cá nhân lưu thông.
Những dự án, công trình mang tính chiến lược, trọng điểm đảm bảo theo quy hoạch, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông trên đường bộ và đường thủy nội địa đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho nhân dân lưu thông thuận tiện, an toàn. Đặc biệt, tuyến quốc lộ 1 hoàn thành nâng cấp, mở rộng với việc phân làn đường bằng dải phân cách đã tránh xung đột giao thông, góp phần kéo giảm TNGT.
Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành trong tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm cũng có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Các địa phương cũng đã huy động cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an cấp xã vào cuộc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Còn lắm nỗi lo
Ghi nhận thực tế, tình trạng người dân không đội mũ bảo hiểm vẫn khá phổ biến, nhất là đường liên thôn, liên xã. Tình trạng điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia; phóng nhanh, vượt ẩu hay lấn làn đường, phần đường xảy ra thường xuyên.
Với nhiều người, cảm giác sợ vô hình mỗi lần dừng đèn đỏ, trên các tuyến đường có xe tải lưu thông là có thật. Bởi từng xảy ra tại không ít địa phương sự cố tài xế điều khiển xe chở vật liệu không tuân thủ quy tắc an toàn, hoặc phương tiện bị trục trặc kỹ thuật do không bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên rồi từ sau tông thẳng tới, dẫn đến TNGT nghiêm trọng.
Đáng báo động, số vụ, số người chết do TNGT đường sắt và đường thủy nội địa lại gia tăng. Theo thống kê, đường sắt xảy ra 30 vụ, làm chết 28 người, bị thương 6 người; so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng 2 vụ, tăng 2 người chết. Đường thủy nội địa xảy ra 2 vụ (năm 2020), làm chết 11 người; so với cùng kỳ tăng 2 vụ và tăng 11 người chết.
Về nguyên nhân của tồn tại, Ban ATGT tỉnh phân tích, xã hội ngày càng phát triển, mật độ và phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh, nhưng hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Một số cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức; chưa chỉ đạo kịp thời về thực hiện chức trách được giao; chưa xem đó là nhiệm vụ trọng tâm mà còn nặng tư tưởng giao khoán cho lực lượng chuyên trách. Đáng báo động, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận nhân dân còn thấp nên thường xuyên vi phạm gây hậu quả thương tâm.
Ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, một số lối đi tự mở đã rào thu hẹp nhưng vẫn bị người dân phá dỡ để điều khiển ô tô vượt qua đường sắt. Nhiều trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt, công ty có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan, song việc xử lý chưa đúng mức, thiếu quyết liệt; các cơ quan chức năng có xử lý vi phạm hành chính nhưng lại để công trình tồn tại nên không có sức răn đe.
Để tiếp tục kiềm chế, giảm thiểu TNGT, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan thành viên và UBND cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia. Đồng thời tham mưu xây dựng quy định về quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện được miễn đăng ký theo quy định của pháp luật để quản lý; theo dõi, yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm học viên sau khi được cấp bằng có kỹ năng lái xe tốt và ý thức cao khi điều khiển phương tiện.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; xử lý nghiêm hành vi có dấu hiệu tội phạm, nhất là TNGT gây hậu quả nghiêm trọng trở lên. Quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý các “điểm đen”; hướng tới xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng nhân tố điển hình, mô hình tốt trong đảm bảo trật tự ATGT.