(QNO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác quản lý đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện diễn ra vào sáng nay 29.8. Tham gia điểm cầu tại Quảng Nam có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và đại diện một số ngành tham gia điểm cầu tại Quảng Nam. |
Chưa an tâm
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi với tổng lượng nước trữ khoảng 500 triệu m3. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý 17 công trình, còn lại 56 công trình do địa phương quản lý. Trong số 73 hồ chứa vừa nêu thì có 6 hồ có dung tích từ 10 triệu m3 trở lên, gồm: hồ Phú Ninh, Khe Tân, Trà Cân, Việt An, Vĩnh Trinh, Thái Xuân; 5 hồ có dung tích từ 3 triệu m3 đến 10 triệu m3, gồm: hồ Đông Tiển, Cao Ngạn, Phước Hà, Hố Giang, Thạch Bàn; 13 hồ có dung tích từ 1 triệu m3 đến 3 triệu m3; 49 hồ có dung tích dưới 1 triệu m3.
Mái đập thuộc hồ chứa Hóc Két (Duy Xuyên) bị sạt lở nặng. |
Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, hiện 17 hồ chứa do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, vận hành đã cơ bản được nâng cấp; công tác quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ công trình được tổ chức thực hiện đảm bảo những yêu cầu theo quy định. Cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng được tiến hành thường xuyên nên đã sớm khắc phục được tình trạng xuống cấp của công trình, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Theo ông Tý, nhìn chung đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân quản lý, vận hành các hồ chứa của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam được đào tạo cơ bản lành nghề. Đặc biệt, công tác phòng chống lụt bão tại các hồ chứa thực hiện đảm bảo quy định. Các đơn vị trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam thường xuyên kiểm tra, sửa chữa công trình trước khi lũ xuất hiện, đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy và xây dựng phương án phòng, chống lụt bão tại tất cả những hồ chứa. Riêng đối với hồ chứa nước Phú Ninh có tổ chức hiệp đồng với lực lượng vũ trang của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh để thực hiện cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư để Quảng Nam tổ chức sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng ngay trong năm 2014, gồm: hồ Chấn Sơn, An Long, Hố Mây, Đồng Nhơn, Đá Vách, Hố Trầu, Hố Cái, Thành Công với tổng kinh phí ước tính khoảng 250 tỷ đồng” (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang) |
Trong khi 17 hồ chứa thuộc sự quản lý của Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cơ bản đảm bảo an toàn thì 56 hồ chứa quy mô vừa và nhỏ do các địa phương quản lý đang khiến nhiều người lo ngại vì thời gian qua nhiều công trình đã bị xuống cấp. Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến sáng nay 29.8, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nói: “Các hồ chứa do địa phương quản lý được xây dựng từ lâu, thi công chủ yếu bằng thủ công, đến nay đã bộc lộ nhiều hư hỏng, xuống cấp nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ở địa phương, công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi chủ yếu do UBND xã hoặc hợp tác xã thực hiện. Năng lực chuyên môn kỹ thuật thủy lợi còn hạn chế, khâu quan trắc, đo đạc, lưu trữ tài liệu, hồ sơ quản lý còn yếu kém dẫn đến công tác theo dõi, đánh giá tình trạng hoạt động của công trình chưa đảm bảo và thiếu kịp thời. Bên cạnh đó, kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên còn hạn chế nên việc khắc phục các hư hỏng chỉ mang tính chắp vá, do đó hiện nay các hồ chứa này đã bộc lộ nhiều tiềm ẩn hư hỏng, xuống cấp”...
Đảm bảo tuyệt đối an toàn
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, để đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2013 nay, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương cùng một số đơn vị quản lý hồ chứa tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn từng hạng mục công trình đầu mối tại các hồ chứa, tìm ra những hư hỏng bên ngoài và tiềm ẩn bên trong để nhanh chóng lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Cạnh đó, mở lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý hồ chứa nhằm từng bước củng cố, ổn định đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý các hồ chứa nước theo quy định trong Thông tư số 40/2011/TT-BNN&PTNT (ngày 27.5.2011) của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa nước có nguy cơ tiềm ẩn hư hỏng thường xuyên kiểm định an toàn đập, tổ chức thực hiện việc quan trắc, kiểm tra công trình nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ sự cố công trình và báo cáo với cấp trên đối với những tình huống vượt ngoài khả năng giải quyết. Trong đó, đặc biệt chú ý đối với các hồ chứa nằm trong phạm vi khu vực bị ảnh hưởng của động đất.
Khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh hầm thủy lợi thuộc cống nam hồ chứa nước Phú Ninh. |
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có 13 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất gần 767MW, gồm 5 dự án thủy điện bậc thang (A Vương, Sông Côn 2, Đắk Mi 4A-B, Sông Tranh 2, Sông Bung 6) và 8 dự án thủy điện vừa - nhỏ (Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh, An Điềm 2, Tà Vi, Đắk Mi 4C). Hầu hết các đập thủy điện là loại đập bê tông đầm lăn mới được thi công nên chất lượng cơ bản đảm bảo. Đến nay, Bộ Công thương và UBND tỉnh đã phê duyệt quy trình vận hành 14 hồ chứa, gồm: A Vương, Sông Côn 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Tranh 2, Za Hung, Sông Tranh 3, Đắk Mi 4 A-B, Đắk Mi 4C, An Điềm 2, Trà Linh 3, Tà Vi. Được biết, hiện Quảng Nam có 3 nhà máy thủy điện, gồm A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 thực hiện việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ hằng năm theo quyết định số 1880/QĐ-TTg (ngày 13.10.2010) của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ, ngay từ bây giờ chính quyền các tỉnh, thành phố phải tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên mức độ an toàn của tất cả các công trình hồ chứa trên địa bàn. Cạnh đó, khẩn trương gia cố, sửa chữa các hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Việc vận hành xả lũ phải tuân thủ theo quy trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du”. |
Ông Trương Xuân Tý cho biết thêm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua Sở Công thương phối hợp với các Sở NN&PTNT, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, đại diện phòng Kinh tế - Hạ tầng và Ban Chỉ huy PCLB các huyện có dự án thủy điện thành lập đoàn kiểm tra tiến độ thi công, công tác phòng chống lụt bão, quản lý an toàn các công trình thủy điện trên địa bàn Quảng Nam năm 2013. Qua kiểm tra cho thấy, tất cả công trình thủy điện đã lập và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập theo quy định. Có chuẩn bị vật tư dự phòng và bố trí nhân lực thực hiện công tác phòng chống lụt bão, đa số các chủ đập đều chuẩn bị hoặc đã xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương về công tác phòng chống lụt bão năm 2013. Ngoài ra, các chủ đập đã thực hiện việc đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập và kiểm định an toàn đập theo đúng quy định. Đồng thời, đã bố trí nhân lực cho công tác kiểm tra duy tu, bảo dưỡng đập trước mùa mưa bão. Cũng theo ông Tý, hiện tất cả các nhà máy, công trình thủy điện chuẩn bị đưa vào vận hành đều đã có quy trình vận hành hồ chứa được duyệt và đã được các chủ đập thực hiện nghiêm túc.
Nhằm từng bước đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn phần đầu mối các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT cho tổng kiểm tra, kiểm định các công trình đầu mối, đánh giá lại tất cả các thông số kỹ thuật của những hồ chứa thủy lợi đã xây dựng trước đây mà chưa được nâng cấp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Bộ NN&PTNT nên xây dựng chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa trên phạm vi cả nước và đề xuất Chính phủ quyết định để bố trí kinh phí đầu tư dần hằng năm. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách để xây dựng, củng cố những đơn vị, tổ chức quản lý các hồ chứa nhỏ ở địa phương có tính chuyên môn, đảm bảo kinh phí hoạt động bền vững, ổn định, lâu dài. Cạnh đó, ban hành sổ tay hướng dẫn quản lý hồ chứa để các địa phương thực hiện bài bản...
NGUYỄN VĂN SỰ