Công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng trở nên quan trọng trong tình hình thực tế có nhiều nguy cơ về thực phẩm bẩn, dịch bệnh, dùng thuốc trừ sâu trong sản xuất... Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các ngành chức năng, nhưng việc kiểm soát VSATTP vẫn còn lắm bộn bề, nhiều khó khăn do chưa đồng bộ, thiếu kinh phí... trong lĩnh vực này.
KHÓ KIỂM SOÁT
Trong 5 năm trở lại đây, Quảng Nam chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm nào xuất phát từ các bếp ăn tập thể. Nhưng đây vẫn là nơi tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất bởi việc kiểm soát chất lượng của các bếp ăn này vẫn chưa thực sự đảm bảo.
Nhà bếp sơ sài, chưa đúng tiêu chuẩn là nơi tiềm ẩn nguy cơ có thể gây ngộ độc thực phẩm. Trong ảnh: Nhà bếp của Xí nghiệp May Ánh Sáng (Duy Xuyên).Ảnh: Dương Thư |
Chất lượng phập phù
Chiều ngày 27.12, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Cơm Việt Nam (còn gọi là Vina Cơm, tại TP.Hội An) - nơi chịu trách nhiệm cung cấp hơn 1.500 suất ăn mỗi ngày cho Công ty May Minh Hoàng (300 suất) và Công ty Giày Rieker (1.200 suất - hai công ty đều ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc).
Theo ghi nhận, mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng chùi rửa khu vực chế biến thứ ăn nhưng vẫn còn mùi hôi rất khó chịu; các khu vực sơ chế, chế biến và ra sản phẩm nằm sát nhau, không đảm bảo vệ sinh... Đặc biệt, qua kiểm tra, đoàn giám sát đã phát hiện một số lượng thực phẩm được đem cất ở kho không đảm bảo vệ sinh. Được biết, đây là số thực phẩm còn thừa của ngày hôm ấy và để dành cho hôm sau. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng. Bên cạnh đó, khi làm việc về các hồ sơ liên quan như: giấy khám sức khỏe cho công nhân, hóa đơn nhập nguyên liệu, danh mục các đầu mối cung cấp thực phẩm... thì doanh nghiệp này không xuất trình được giấy tờ. Ông Ngô Văn Thanh - Giám đốc công ty - cho biết: “Do quy mô của doanh nghiệp nhỏ lẻ nên chưa có điều kiện để mở rộng cũng như nâng cấp cơ sở vật chất. Trải qua gần 10 năm làm cơm cung cấp cho các công ty ở khu công nghiệp, chúng tôi vẫn chưa gặp phải sự cố gì nên cơ quan chức năng thông cảm(?)”.
Trước đó, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra có mặt tại bếp ăn của Xí nghiệp May Ánh Sáng (thôn Lang Châu Nam, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên), nơi cung cấp 1.000 suất ăn mỗi ngày cho công nhân. Ở đây, khu nấu nướng cũng như khu sơ chế, bảo quản sản phẩm sống không đạt chất lượng, dễ gây ra mất vệ sinh. Ông Trương Đức Lãnh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty - cho hay, ngoài thịt, cá, đậu, gia vị thì công ty có hợp đồng với các đầu mối cung cấp, còn rau củ quả thì hầu hết là thu mua của bà con nông dân ở quanh vùng. “Tất cả đều được kiểm tra bằng cách nhìn, ngửi hay sờ nắm để kiểm định chứ chưa thể có một hệ thống máy móc nào có thể thử nhanh việc này. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng giảm bớt những chất bảo quản (nếu có) thông qua việc sơ chế kỹ càng hơn mà thôi. Trong hợp đồng với các đầu mối cung cấp thực phẩm tươi sống cũng đã có điều kiện ràng buộc nếu cung cấp thực phẩm bẩn thì phía đầu mối phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” - ông Lãnh nói.
Tại buổi làm việc với UBND thị xã Điện Bàn, đại diện Phòng Y tế huyện cho biết, trên địa bàn có nhiều bếp ăn tập thể, nhất là Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với hàng nghìn công nhân. “Tuy nhiên, để vào đây kiểm tra là chuyện... rất khó. Với các công ty lớn thuộc quản lý của tỉnh thì chúng tôi không thể tiếp cận. Có vào họ cũng chẳng tiếp. Vậy nên chỉ kiểm tra được ở các cụm công nghiệp nhỏ. Đáng lẽ ở trên địa bàn của thị xã thì mình phải được quyền kiểm tra chứ? Nếu có chuyện gì, đợi phải có tỉnh ra mới được vào hay sao?” - vị cán bộ này bộc bạch.
Kiểm định bằng... mắt thường
Tại các bếp ăn tập thể lớn trong tỉnh mà chúng tôi đã từng đến thì hầu hết nguồn thực phẩm được cung cấp đều chỉ có thể được kiểm định bằng mắt thường chứ không thể có được máy test (thử, kiểm định) được hàm lượng chất độc có thể ở trên thực phẩm sống. Ông Lê Phước Thành - phụ trách Phòng Tổ chức hành chính công ty may Hòa Thọ (huyện Duy Xuyên) - cho biết, hiện nay bếp ăn của công ty phục vụ hơn 500 suất ăn cho công nhân mỗi ngày. Công ty hợp đồng với nhiều đầu mối cung cấp thực phẩm sống như: rau, cá, thịt, đậu khuôn... để chế biến. Tuy nhiên, để kiểm tra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật ở trên rau hay dư lượng chất bảo quản ở trong cá thịt là không thể. “Chúng tôi chỉ căn cứ vào hợp đồng và quan sát bằng mắt thường để định lượng chất lượng sản phẩm. Sau khi nấu thành thức ăn thì tiến hành lấy mẫu giữ lại bảo quản, sau 24 giờ nếu không có gì xảy ra thì tiến hành tiêu hủy” - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục VS ATTP tỉnh - cho biết, ngay cả những đơn vị chức năng cấp huyện, xã cũng chưa có đủ khả năng để thẩm định được những thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn này có đủ hàm lượng dưỡng chất hay dư lượng chất bảo quản hay không, nên rất khó cho các bếp ăn tập thể trong vấn đề này. “Mỗi máy test nhanh chỉ có 12 triệu đồng nhưng đến nay vẫn không đủ kinh phí để cấp cho cấp huyện, nên mỗi khi muốn giám định phải mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, việc cần nhất của các bếp ăn này là làm sao đảm bảo được khu sơ chế thực phẩm, nấu nướng hay bảo quản phải đạt chất lượng, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra” - ông Cam nói.
Cũng chính vì khó thẩm định được việc vi phạm VSATTP nên các ngành chức năng chủ yếu kiểm soát ở các khâu khám sức khỏe định kỳ cho công nhân hay các giấy chứng nhận kinh doanh để kiểm tra các cơ sở. Ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ cho biết, từ năm 2011 đến nay đã tiến hành xử phạt 47 cơ sở với hơn 60 triệu đồng, tuy nhiên chủ yếu chỉ là với các lỗi không khám sức khỏe định kỳ, giấy phép đăng ký kinh doanh hết hạn chưa đăng ký lại..., chứ ít có trường hợp vi phạm về VSATTP. Đó là do thiếu thiết bị kiểm định nên rất khó trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. “Nếu là test nhanh về phoóc môn, hàn the thì được, còn nếu xét nghiệm vi sinh hay kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì phải gửi đi xét nghiệm. Mà mỗi lần như thế ít nhất cũng vài ba ngày. Nếu mẫu hàng bị niêm phong chờ thẩm định có vấn đề thì không sao, nhưng giả sử mẫu hoàn toàn bình thường thì thời gian bắt doanh nghiệp chờ, ai đền bù cho họ?” - ông Đà nói.
Chưa kiểm soát được VSATTP ở các bếp ăn tập thể với hàng ngàn công nhân. Ảnh: Dương Thư |
Đại diện Công an TP.Tam Kỳ cho hay, trong một lần tiến hành kiểm tra một doanh nghiệp trên địa bàn thì phát hiện một khối lượng mỡ động vật đã được chế biến ra dạng nước. Thông thường, khi mỡ động vật đã làm chảy mỡ, để ở nhiệt độ bình thường sẽ đông cứng lại thành màu trắng. Tuy nhiên ở cơ sở này thì vẫn hoàn toàn giữ được dạng nước màu vàng đục. Nhìn trực quan bằng mắt vẫn có thể khẳng định đây là mỡ bẩn nhưng chẳng có cách nào để xác định được, đành phải chuyển hướng xử lý sang những lỗi nhỏ khác.
CẦN NHỮNG BIỆN PHÁP SÁT THỰC TIỄN
Ông Phan Thái Bình - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: Cần có cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương
Hiện nay có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm về VSATTP: Bộ NN&PTNT có 4 cơ quan có chức năng về ATTP (Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy sản); Bộ Y tế có 1 cơ quan đầu mối (Cục ATTP); Bộ Công Thương có 2 cơ quan (Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý thị trường) và các cơ quan thanh tra của các bộ. Trong số các cơ quan này có rất nhiều cơ quan có hệ thống ngành dọc đến cấp xã, phường, biên chế rất cồng kềnh, nhưng mỗi khi có sự cố liên quan đến VSATTP thì không cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần phân công một cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về VSATTP từ trung ương đến địa phương.
Khi có một cơ quan chuyên trách thì sẽ đồng bộ hơn trong các văn bản quy phạm cũng như chương trình hành động có thể xuyên suốt, tránh tình trạng giẫm chân nhau. Nguồn kinh phí cũng cần được tăng lên, nhất là để mua sắm trang thiết bị kiểm nghiệm. Nếu muốn xử lý phải có sơ sở pháp lý, bằng chứng cụ thể thì mới có thể làm rốt ráo được.
Ông Võ Hồng - Phó chủ tịch HĐND tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng đến tiêu dùng cộng đồng
Quảng Nam trong những năm qua chưa có vụ ngộ độc nào lớn. Nhưng không phải vì thế mà buông lỏng quản lý được. Có thể không gây chết người ngay lập tức, nhưng nó lại ảnh hưởng dần dần đến sức khỏe cộng động thì rất nguy hiểm. Và hiện nay, nguy cơ về việc không đảm bảo VSATTP ngày càng tiềm ẩn, biểu hiện phức tạp. Chính vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền cho tất cả cộng đồng để cùng chung tay loại trừ thực phẩm bẩn. Không ai bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn chính bản thân mình. Khi đã có kiến thức cơ bản, thì tin rằng người dân sẽ không mù quáng để sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
HĐND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp các chợ đầu mối ở các vùng nông thôn, đảm bảo chất lượng để cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, qua đó giảm thiểu được phần nào hiểm họa từ thực phẩm không rõ nguồn gốc. Về mặt quản lý nhà nước, cần phải có những văn bản quy chế, quy ước cụ thể để hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tránh sự chồng chéo, rườm rà. Công tác tư vấn, hỗ trợ cho những cơ sở này cũng cần được nâng cao và quan trọng nhất là để họ có trách nhiệm với chính cộng đồng. Những sản phẩm của họ phải hướng vào cộng đồng, vì sức khỏe của cộng đồng thì mới có thể đảm bảo được.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở Công Thương: Siết chặt đầu vào, tăng cường kiểm tra
Qua nhiều lần kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn, tôi nhận thấy có rất nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận VSATTP. Tuy nhiên, những cơ sở này vẫn đang hoạt động và hàng ngày có thể cung cấp các suất ăn, thực phẩm cho hàng ngàn người. Đây là điều rất nguy hiểm. Chính vì vậy, cần phải siết chặt ngay từ đầu vào, nghĩa là khi tiến hành cấp phép cho một cơ sở sản xuất, kinh doanh nào thì cần phải đảm bảo đầy đủ điều kiện thiết yếu khi kinh doanh. Thắt chặt khâu này thì sau đó các sai phạm cũng sẽ ít và dễ kiểm soát hơn.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để luôn kiểm soát được tình hình. Và ở trong mỗi cuộc kiểm tra cần phải có đầy đủ cơ quan chức năng. Như quản lý thị trường thì lo kiểm tra về công tác hành chính, các hóa đơn xuất nhập hàng hay nghiệp vụ VSATTP của người lao động cũng như cơ sở kinh doanh. Bên y tế thì lo kiểm tra về chất lượng có đảm bảo hay không. Bên cảnh sát môi trường thì kiểm tra về các vấn đề liên quan… Có như vậy mới siết chặt được công tác VSATTP được.
Ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ: Cần tập trung các hộ kinh doanh manh mún để quản lý
Hiện nay, đa số hộ kinh doanh trên địa bàn đều nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó quản lý cũng như xử lý. Có nhiều hộ dân khi ra quyết định xử phạt họ cũng chẳng đủ tiền để nộp phạt. Vì vậy cần gom những nhóm hộ có cùng ngành nghề lại, yêu cầu họ ký cam kết cũng như các loại giấy chứng nhận cần thiết, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn.
THIẾU KINH PHÍ, CHƯA ĐỒNG BỘ
Một trong những bức xúc, kiến nghị nhiều nhất hiện nay tại các địa phương chính là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật, chưa đồng bộ trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc kiểm soát VSATTP, dẫn đến địa phương cũng lúng túng.
Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về VSATTP trong khi đó là nơi cung cấp hàng ngàn suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong khu công nghiệp. Trong ảnh: Số thực phẩm được doanh nghiệp Cơm Việt Nam đem cất vào nhà kho khi cơ quan chức năng đến. Ảnh: Dương Thư |
Chưa đồng bộ
Hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước về kiểm soát tình hình VSATTP được giao cho 3 bộ phụ trách: Y tế, NN&PTNT và Công Thương. Cũng từ đó, nhiều bất cập đã xảy ra như: một cơ sở sản xuất thực phẩm hoặc một sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp, công thương quản lý thì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện do ngành nông nghiệp, công thương cấp. Nhưng giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc giấy cá nhân công bố phù hợp quy định VSATTP thì lại là do ngành y tế cấp... Bên cạnh đó, một số ngành hàng không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Bộ Y tế chỉ quản lý thực phẩm khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi kiểm tra, nếu gặp trường hợp không bảo đảm VSATTP thì Bộ Y tế chỉ được lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài thị trường thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của Bộ Y tế mà lại thuộc về Bộ Công Thương.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, hiện nay việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của các cơ sở thực phẩm do ngành công thương quản lý đã có phân cấp và giao phòng kinh tế huyện triển khai thực hiện. “Tuy nhiên, việc cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP đối với các cơ sở này thì Sở Công Thương vẫn đang thực hiện chứ chưa giao cho phòng, nên rất khó khăn cho người dân trong việc làm các thủ tục hành chính. Hay, cùng một mặt hàng thực phẩm trên lĩnh vực nông nghiệp, như: thịt, rau, cá..., nhưng địa điểm kinh doanh khác nhau (bán trong chợ hay bán ngoài chợ) thì cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cũng khác nhau. Vì vậy gây khó khăn trong việc tuyên truyền và quản lý của địa phương” - ông Ảnh cho biết.
Ngoài ra, việc không thống nhất giữa các ngành trong chương trình hành động (mỗi ngành có một đợt cao điểm riêng) cũng gây rất nhiều trở ngại khi không có được một kế hoạch xuyên suốt. Và các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng rất khó khăn trong việc thực hiện các văn bản pháp luật theo từng bộ, ngành liên quan.
Kinh phí eo hẹp
Kinh phí là kiến nghị được nhắc đến nhiều nhất khi tiến hành lấy ý kiến tại các địa phương. Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, hiện nay, nguồn kinh phí hoạt động quản lý VSATTP trên địa bàn là do thành phố, không có sự hỗ trợ của trung ương hay tỉnh, nên rất eo hẹp. Công tác quản lý thức ăn đường phố được phân cấp cho xã, phường quản lý. Trong khi đó, cán bộ quản lý VSATTP ở đây là cán bộ kiêm nhiệm nên thời gian triển khai các hoạt động kiểm tra còn hạn chế và kinh phí hỗ trợ hoạt động này lại không có.
Theo ông Nguyễn Cam, kinh phí cấp cho công tác VSATTP của chi cục năm 2016 là 50 triệu đồng. Trong khi đó đã chi 42 triệu đồng cho Trung tâm Y tế dự phòng để thực hiện công tác xét nghiệm các mẫu kiểm tra, nên chỉ còn lại 8 triệu đồng để chi phí cho cán bộ chi cục làm nhiệm vụ. “Chi cục là đơn vị chủ lực trong công tác này nhưng còn thua cả lực lượng phối hợp, cộng với kinh phí eo hẹp nên khó có thể kiểm soát gắt gao, thường xuyên được. Ngay cả trụ sở cũng đang phải đi thuê, xe phải đi mượn thì khó cho chi cục quá” - ông Cam nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, để kiểm soát tốt tình hình thực hiện VSATTP trên địa bàn thì cần phải có đủ nhân lực và vật lực. Nhưng hiện nay, cán bộ thường phải kiêm nhiệm quá nhiều mà kinh phí hỗ trợ thì rất ít. “Hầu như chỉ những đợt cao điểm thì anh em mới có hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thị xã chứ còn lại thì không. Nhiều khi họ phải mật phục đến 3 - 4 giờ sáng để bắt cho được việc bơm nước vào bò khi giết mổ, nhưng cũng chẳng được hỗ trợ thù lao. Đến khi có chuyện thì lại gọi họ đầu tiên, như thế cũng tội cho anh em quá” - ông Hà cho hay.
Trách nhiệm kiểm soát VSATTP tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được giao cho các trạm y tế xã, phường, nhưng khó triển khai thực tế. Bà Nguyễn Thị Phi Anh - Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ - nói: “Hiện nay, tại phường có hơn 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vỉa hè với đủ loại hình thực phẩm, đa số là làm bằng thủ công. Thường mỗi năm chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm như: tết cổ truyền, tết trung thu hay những tháng hành động thì chúng tôi mới tổ chức đi kiểm tra. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra thông qua bằng mắt thường chứ không có cán bộ chuyên trách hay công cụ hỗ trợ nên rất khó để xác định là có đảm bảo vệ sinh hay không. Cạnh đó, nguồn kinh phí cũng không có nên khó có thể thường xuyên đi kiểm tra” - bà Anh thông tin.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG - TRƯƠNG TÂM THƯ