Năm năm qua huyện Duy Xuyên đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng nhằm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới nhưng xem ra hiệu quả mang lại vẫn còn khiêm tốn vì nhiều trở lực…
Những vấn đề đáng lo
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là yêu cầu tất yếu hiện nay nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, điều nghịch lý là rau VietGAP không được người tiêu dùng quan tâm, còn rau sản xuất theo cách thông thường thì lại bán rất chạy. Cách đây 3 năm, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngành nông nghiệp Duy Xuyên phối hợp với xã Duy Phước thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 21 thành viên, bố trí canh tác hơn 42 sào đất ở cánh đồng thuộc thôn Lang Châu Bắc. Ngay khi mô hình này đi vào hoạt động, có một vài đơn vị, cá nhân tìm đến hợp tác với nông dân sản xuất các loại rau quả theo hướng bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Nhưng chỉ sau một năm sau thì mối liên kết ấy chấm dứt, bởi sản phẩm rau quả VietGAP gặp quá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vì thế, thời gian gần đây nông dân thôn Lang Châu Bắc phải quay lại sản xuất theo cách truyền thống.
Rau quả VietGAP tiêu thụ quá khó khăn, buộc nông dân xã Duy Phước phải quay lại sản xuất theo cách truyền thống. Ảnh: H.N |
Trong khi đó, khu giết mổ gia súc tập trung ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) cũng lâm vào cảnh thất bại. Ông Trần Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, tháng 4.2013 khu giết mổ này chính thức đi vào hoạt động với công suất mỗi ngày đêm giết thịt 50 con gia súc. Những tháng đầu tiên, khu giết mổ hoạt động khá hiệu quả, góp phần hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư và đặc biệt là đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP. Nhưng rồi những chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở địa phương cũng như các vùng lân cận không chịu đưa gia súc vào khu tập trung đó giết thịt nữa, vì thế đành phải bỏ hoang. Ông Ba nói: “Trong khu giết mổ tập trung ở thôn Chiêm Sơn bỏ hoang thì nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn cứ lén lút hoạt động tại nhà. Nếu tình trạng này không được giải quyết rốt ráo, e rằng môi trường sống sẽ bị đe dọa nghiêm trọng và vấn đề vệ sinh ATTP sẽ là mối lo lớn”. Đáng nói hơn, cách đây không lâu tại chợ Nam Phước - chợ được Bộ Công thương và UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình kiểu mẫu về vệ sinh ATTP, ngành chức năng phát hiện tiểu thương sử dụng chất vàng ô trong măng tươi muối và lập tức tiêu hủy hơn 400kg. Không chỉ vậy, các đơn vị liên quan cũng phát hiện một tiểu thương tại chợ này bán rau dền đỏ (nguồn gốc ở thị trấn Nam Phước) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép…
Ngăn chặn thực phẩm bẩn
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới” do Huyện ủy Duy Xuyên vừa tổ chức, ông Bùi Văn Ba - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết, toàn huyện hiện có 241 cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm, 611 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 789 cơ sở dịch vụ ăn uống. Thế nhưng, chỉ có 21,5% được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh ATTP. |
Hàng năm, huyện Duy Xuyên chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của Nhà nước về lĩnh vực này đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Ông Bùi Văn Ba - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, trước đây lĩnh vực ATTP chỉ do ngành y tế quản lý, sau khi có Chỉ thị số 08, lãnh đạo huyện giao công việc này cho 3 ngành là kinh tế - hạ tầng, y tế, nông nghiệp thực hiện. Tùy theo lĩnh vực phụ trách, 3 ngành chia nhau quản lý các cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08, thời gian đến Huyện ủy Duy Xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh ATTP nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cả người tiêu dùng. Cạnh đó, thông tin kịp thời các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo ATTP lên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, tập trung kiểm soát khâu giết mổ, tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm. Mặt khác, chú trọng công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, trường học” - ông Ba nói.
Theo ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP là một câu chuyện dài, đầy phức tạp và mấu chốt nằm ở vấn đề sản xuất. Muốn thực hiện thành công, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò chủ chốt. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như đưa những thông tin liên quan lên hệ thống truyền thanh, cấp phát tờ rơi đến từng gia đình. Ngoài ra, nhất thiết phải chú trọng khâu liên doanh liên kết để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo phương thức hàng hóa tập trung và hình thành nên những chuỗi sản phẩm an toàn. Riêng đối với khu giết mổ gia súc tập trung tại xã Duy Sơn, huyện sẽ có giải pháp căn cơ để sớm đưa cơ sở này hoạt động trở lại. Quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm liên quan đến vệ sinh ATTP còn nhiều bất cập nên cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm hỗ trợ việc sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn. Thông tin nhanh trên các phương tiện truyền thông những cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng như các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn. Hỗ trợ cho ban quản lý các chợ đầu mối một số bộ test nhanh để thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Có như vậy, mới tạo được sự chuyển biến trong lĩnh vực vệ sinh ATTP.
HOÀI NHI