Đăm đắm phía biển

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/09/2017 09:02

1. Tháng chín ra Cù Lao Ré - Quảng Ngãi, biển êm lạ thường. Mất chừng 1 tiếng 15 phút từ cảng Sa Kỳ ra đảo, phía biển hiện lên những ánh nhìn chênh chao. Đã có hơn chục con tàu, công suất mỗi chiếc hơn một ngàn mã lực, đưa khách du lịch ra Lý Sơn mỗi ngày nhưng bến cảng ở đảo vẫn còn chen đủ thứ hàng hóa, cá mắm... Chưa có bến riêng cho du lịch, nên cảng vẫn nặng mùi và bước sấp ngửa lên cầu tàu chật hẹp. Điện kéo ra Lý Sơn hơn năm rồi, cuộc sống có vẻ khởi sắc nhưng gương mặt của những người dân cù lao còn ưu tư.

Họ ưu tư, phải chăng vì đầu tư nói chung cho kinh tế biển ở đây còn nhỏ giọt? Vẫn còn nhiều tàu bè nhỏ bé quây tụ trong cái âu thuyền hẹp. Ngư dân ra khơi xa thì từng đụng phải tàu Trung Quốc quấy phá (như câu chuyện nổi tiếng một thời của “sói biển” Mai Phụng Lưu); số còn lại thì thuyền nhỏ, thúng chai đánh bắt gần bờ, tờ mờ sáng đem một rổ tạp nhạp vào bán được mấy chục ngàn đồng chạy ăn qua bữa. Có lẽ cảnh đời này rất quen ở nhiều vùng biển xứ Quảng.

May mắn hơn Cù Lao Chàm của Quảng Nam, Cù Lao Ré có nhiều đất để làm nông nghiệp, nhưng nghe nói từ 400 ha nay còn khoảng 300ha đất trồng tỏi vì hạ tầng giao thông, du lịch đã cắt xén bớt; trước chia đất làm nông theo nhân khẩu nay không còn để chia nữa. Đặc sản là tỏi. Củ tỏi cũng cay xè, thấm chất đất núi lửa và cát biển, đẫm muối mồ hôi người trồng. Đừng nghe giá tỏi hơn 1 triệu đồng/ký mà tưởng dễ ăn. Đó là tỏi cô đơn - tỏi một múi, đặc sản nên hiếm lắm, có người thuê 15 sào đất trồng cũng chỉ được dăm ký tỏi cô đơn thôi. Còn tỏi nhiều múi, giá thị trường khoảng vài trăm ngàn đồng. Lại nghe gần đây có chuyện người ta đem tỏi ở Phan Rang, thậm chí nhập tỏi Tàu để đem ra đảo bán, thật giả biết đâu mà lần. Ai gọi tên tỏi “cô đơn” khéo giàu tâm trạng, thường khi mất mùa mới có nhiều, như an ủi nỗi buồn của cư dân Lý Sơn mỗi khi mùa tỏi bị mưa gió, sâu bệnh làm hư hại. Đất trồng tỏi, dưới là lớp hỗn hợp mùn ba dan, trên là cát trắng, thứ ở miệng núi lửa và thứ ở biển hòa lại, giờ cũng khan hiếm dần.

Người ta đang kỳ vọng vào du lịch sẽ tạo thêm sinh kế cho cư dân đảo. Cách đây không lâu chỉ có vài cơ sở lưu trú, mỗi khách sạn Lý Sơn, nay thì có hơn bảy chục khách sạn, nhà nghỉ, homestay, Mường Thanh cũng đã ra tới đảo. Rồi xe cộ, tàu thuyền, bãi tắm... phục vụ khách. Có người chuyển nghề, làm dịch vụ. Nhưng ưu tư về văn hóa, nét hồn hậu riêng có, nếp nhà, mái đình làng biển, rồi có như tiếng ốc u vọng nỗi hoài tiếc khi nhiều thứ xô dạt vào? Du lịch mang đến cơ hội chuyển nghề, nghĩa là tiền đến nhưng cũng có thể kéo theo sự giẫm đạp những giá trị của đảo, từ thắng cảnh thiên nhiên đến sinh hoạt văn hóa. Cò mồi, chặt chém, tranh giành khách, tệ nạn xã hội..., nếu không có biện pháp ngừa trước sẽ nguy. Và, hiển hiện là du lịch góp phần mang rác đến, rác thật và nhiều loại rác khác.

2. Từ đảo trở lại bờ, đọc báo lại thêm đăm đắm phía biển. Trung Quốc tuyên bố tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa. Rồi nghe thông tin có tới 18 ngàn tàu cá của Trung Quốc tràn ra thì làm sao mùa này biển yên ả?

Trung Quốc đang cố hiện thực hóa “đường lưỡi bò” trên Biển Đông bằng nhiều cách, không những tôn tạo các đảo và bãi đá dựng nên thành phố, cơ sở quân sự trên biển, mà còn đầu tư cho tàu cá cũng rất mạnh nhằm độc chiếm khai thác nguồn lợi hải sản. Còn ta thì sao? Mức đầu tư so với họ thì còn quá nhỏ bé. Tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, hỗ trợ  theo Nghị định 67/NĐ-CP, giờ mới được đóng khoảng 700 chiếc. Hết nhiêu khê thủ tục vay ưu đãi, thì lại có chuyện ăn gian làm dối nên có tàu vừa hạ thủy đã hư, như ngư dân Trần Văn Liên ở Quảng Nam buộc phải kiện ra tòa. Cứ rối rắm trên bờ thì sao có thể mơ ra được khơi xa, hay chỉ đăm đắm nhìn?

Mỗi năm lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn vẫn vọng lên tiếng u hồn cho những người đi giữ biển thời xưa. Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa của cha ông còn hình bóng đó. Vậy mà...

3. Ra các hòn đảo thường nghe những câu chuyện nhuốm một tình yêu biển. Nếu cư dân Cù Lao Chàm tự hào đảo có chùa, có hang yến, có hoa ngô đồng, có những di chỉ khảo cổ, quần thể san hô... thì Cù Lao Ré cũng đầy đặc di sản của cha ông thời trước, với giếng Vua, chùa Hang, hang Câu, hang Tò vò, cánh đồng tỏi, cùng trầm tích địa chất đặc biệt... Làm sao cho các di sản ấy được tôn vinh, gìn giữ, phát huy giá trị, không là chuyện riêng của người dân đảo. Đồng thời Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa, tạo sinh kế bền vững cho người dân, làm cho kinh tế biển đảo phát triển là việc có ý nghĩa sống còn.

Không phải chuyện xa xăm, vì hàng ngày người trên bờ vẫn phải dùng thức quà của biển, từ cá mắm, hạt muối đến tổ yến, củ tỏi...

Không thể thiếu biển vì đó là nơi tắm táp thân mình, tạo gió, khí thở, cho con đường vận chuyển hàng hóa khổng lồ đi bốn bể năm châu...

Vậy nên đừng để biển cô đơn. Đăm đắm từ hang Tò vò chợt nhớ câu “tò vò mà nuôi con nhện đến khi nó lớn nó quên nhau đi”, lại vọng về biển, nơi luôn nuôi dưỡng mình mà mình còn nhớ hay đã quên, hay có phần bội bạc?

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đăm đắm phía biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO