Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp - sáng tạo ở nhiều địa phương trên cả nước diễn ra sôi nổi. Tại Quảng Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đang lan tỏa và phong phú trên các lĩnh vực, đối tượng.
Theo dõi thông tin trên báo chí, có thể nhận thấy một điểm chung là các mô hình khởi nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nhỏ lẻ và đáng lưu ý, đối tượng khởi nghiệp chủ yếu là người trẻ, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thậm chí nhiều người đã có việc làm ổn định nhưng quyết định nghỉ việc. Tín hiệu này nên mừng hay lo?
Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, đó là tín hiệu đáng mừng. Bởi đồng đất quê nhà giờ đây đã thu hút được người trẻ quay về. Đó là môi trường lao động bây giờ đã năng động hơn, nhiều người trẻ đã dám dấn thân, dám thử thách để đeo đuổi ước mơ tạo dựng một lối đi riêng. Đó cũng có thể là sự thay đổi tích cực trong tâm lý xã hội, rằng học không phải chỉ đi làm nhà nước... Nhưng khi nhìn vào điều kiện thực tế các mô hình khởi nghiệp thì không ít người băn khoăn. Ví như lĩnh vực nông nghiệp, tuy là dễ làm nhưng không dễ thành công bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố gây rủi ro: thời tiết, dịch bệnh, thị trường... Trong khi đó, hầu hết thanh niên khởi nghiệp ở lĩnh vực này đều thiếu chuyên môn, kinh nghiệm. Có thể lạc quan được không khi nhận thấy nhiều mô hình khởi nghiệp có các điểm chung như khởi sự từ hai bàn tay trắng, phải học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, dám từ bỏ công việc cũ chỉ vì niềm đam mê(?).
Và có một điểm chung nữa là khởi nghiệp trái nghề - cũng là dấu hiệu cho thấy sự thiếu bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp. Một kỹ sư cơ khí, một cử nhân quản trị kinh doanh, một kế toán tài chính... khởi nghiệp với mô hình rau sạch, nghe thì thú vị bởi có vẻ đó là niềm đam mê mãnh liệt nhưng có nên lạc quan về tính hiệu quả của mô hình? Tất nhiên, khởi nghiệp là thử thách, là tạo ra lối đi riêng nhưng nếu xem nhẹ những yếu tố “nền tảng” thì khó thành công. Thậm chí hiện tượng “tréo ngoe” đó còn phản ánh sự lúng túng của môi trường lao động việc làm, mà cụ thể là tình trạng thất nghiệp đã đến mức báo động của những thanh niên vừa rời ghế giảng đường.
Những ngày này, nhiều thanh niên đứng trước ngưỡng cửa giảng đường, có thể nhiều người trong số họ đã nhận ra niềm đam mê của mình khi lựa chọn một ngành nghề để theo đuổi, một số khác có thể đang chơi vơi dù ngày nhập học đã cận kề. Học đại học giờ đây không còn là giấc mơ quá xa xôi, nếu nhìn vào thực tế hẩm hiu, cố tìm đủ sinh viên của nhiều trường đại học. Trong điều kiện kinh tế hạn hẹp của nhiều gia đình, phải gồng gánh chi phí cho một sinh viên 4 năm trời không phải là điều dễ dàng. Thậm chí nhiều gia đình còn xem đây là một sự đầu tư với hy vọng con cái sau khi ra trường có được một công việc đúng với “nguyện vọng” lựa chọn từ đầu. Vì vậy, những người trẻ, cần xem sự đầu tư này là vốn liếng để bắt đầu một “mô hình khởi nghiệp” do chính mình lựa chọn. Đừng hoang phí nguồn vốn đã được gia đình và xã hội chắt chiu chỉ vì... đam mê.