Đam mê sáng tạo

DUNG THÙY -  THU SƯƠNG 25/03/2016 10:00

Giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc năm học 2015 - 2016 là phần thưởng xứng đáng cho niềm đam mê sáng tạo vì cộng đồng của 2 em Đoàn Lê Công Khang (Trường THPT Phan Châu Trinh) và Võ Trung Thiên Tường (Trường THPT Lý Tự Trọng).

Tính thực tiễn cao

Yêu thích tin học và đam mê sáng tạo, Đoàn Lê Anh Khang (trường THPT Phan Châu Trinh) đã mày mò nghiên cứu lập dự án “Máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC” và đoạt được giải nhất lĩnh vực kỹ thuật cơ khí (giải ba toàn cuộc). Đây là thành tích đáng ghi nhận của cậu học trò miền núi Tiên Hiệp, Tiên Phước. Mặc dù chỉ được tiếp cận tin học và làm quen với máy tính vào đầu năm lớp 6, nhưng như một cái duyên, những ngày ngồi hàng giờ liền ở quán internet chỉ để truy cập vào những trang web kiến thức liên quan đến cơ khí đã sớm thai nghén những ý tưởng sáng tạo trong em.

Đoàn Lê Công Khang với máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC.  Ảnh: D.Sương
Đoàn Lê Công Khang với máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC. Ảnh: D.Sương

Khang tâm sự, nhận thấy công việc ở các khu vực phát triển du lịch dịch vụ, quà lưu niệm có liên quan đến máy khắc laser hầu hết đều thực hiện thủ công nên năng suất thấp, giá thành cao, mẫu mã không đẹp, không đa dạng nên khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Cạnh đó, do chi phí cao và vận hành phức tạp nên việc trang bị hệ thống máy móc hiện đại không phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, hộ gia đình. Vì thế sự ra đời của máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC (computer numerical control) là giải pháp hữu hiệu trong việc tìm kiếm một thiết bị vừa nhỏ gọn vừa vận hành linh hoạt, dễ bảo quản, dễ sử dụng.

Võ Trung Thiên Tường với thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị.
Võ Trung Thiên Tường với thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị.

Từ tháng 8.2015, em bắt tay vào thực hiện dự án. Nhớ lại những ngày đầu mày mò, hàng loạt khó khăn cứ giăng trước mắt em. Có khi hình ảnh cho ra lại méo mó. Không nản lòng, em lặn lội vào tận TP.Hồ Chí Minh để cùng trao đổi, học hỏi các anh chị trong câu lạc bộ Điện tử sáng tạo. Dần dà kết quả thu được so với hình ảnh ban đầu có độ chính xác gần như tuyệt đối. Đặc biệt, từ hình chụp đưa vào, máy có thể khắc được trên nhiều bề mặt như đá, giấy, gỗ, mica... Điều này thực hiện rất dễ dàng khi muốn khắc hình lên quà lưu niệm. Ngoài ra máy có thể vẽ các bản vẽ kỹ thuật, đánh dấu; không dừng lại ở đó, máy còn có thể mở rộng thêm chức năng khoan để khoan biển quảng cáo LED, phay mạch in. Khang cho biết: “Em đã thử nghiệm và máy cho năng suất cao, máy hoạt động có thể thay thế cho 5 lao động/ngày; chi phí khoảng 4 - 5 triệu đồng”.

Dự án nhân văn

Các dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật HS trung học toàn quốc năm học 2015 - 2016 và đoạt giải gồm “Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille cho người khiếm thị” của em Võ Trung Thiên Tường (THPT Lý Tự Trọng - Thăng Bình) giải nhất lĩnh vực, giải nhì toàn cuộc; “Máy khắc laser tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC” của em Đoàn Lê Công Khang (THPT Phan Châu Trinh - Tiên Phước) giải nhất lĩnh vực, giải ba toàn cuộc; “Máy cho gà ăn tự động” của Nguyễn Lan Vy (THPT Bắc Trà My) giải nhì lĩnh vực; “Mô hình tưới nước cho cây ăn quả mới trồng ở khu vực nắng hạn” của Trịnh Thị Minh Nhân và Nguyễn Văn Phương (THPT Bắc Trà My), “Bộ sạc điện tự chế bằng tay” của Nguyễn Thị Ngân Hòa (THCS Trần Quý Cáp - Điện Bàn) và “Máy gieo hạt” của Trương Văn Tư (THPT Huỳnh Ngọc Huệ - Đại Lộc) giải khuyến khích lĩnh vực.(X.PHÚ)

Với bề dày thành tích về tin học, mới đây Võ Trung Thiên Tường (trường THPT Lý Tự Trọng, Thăng Bình) lại ẵm về giải nhất “Dự án thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị”. Với một đề tài nghiên cứu mang ý nghĩa nhân văn cộng với bài thuyết trình xuất sắc, Tường đã chinh phục được ban giám khảo cuộc thi.

Tường cho biết dự án của em hoàn thành sau 7 tháng tiến hành nghiên cứu và thực hiện, là sản phẩm thể hiện sự quan tâm đến những người kém may mắn trong cuộc sống. Theo như ước tính giá thành sản phẩm khoảng 1 triệu đồng nhưng đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi. Nói về lý do chọn đề tài Tường chia sẻ: “Cơ duyên thôi thúc em nghĩ ra đề tài rồi cất công mày mò nghiên cứu cũng bởi lẽ, từ nhỏ em đã tiếp xúc với người chú bị khiếm thị gần nhà, hàng ngày chứng kiến chú khó khăn trong việc viết chữ nổi nên luôn trăn trở phải làm điều gì đó góp phần chia sẻ với khó khăn ấy”.

Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braile cho người khiếm thị có thiết kế khá đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đầy đủ tính năng chuyển ký tự ngôn ngữ thành ký tự nổi.Cấu tạo của sản phẩm gồm phần mềm kết nối với thiết bị được lập trình dựa trên ngôn ngữ C# và phần thiết bị cơ khí nhận lệnh từ máy tính tạo chữ nổi. Để vận hành sản phẩm chỉ cần cắm nguồn khởi động thiết bị sau đó chọn cổng nháy APPECT nhập văn bản vào phần mềm, tiếp đó là khâu xử lý văn bản thông qua nút SEND trên phần mềm thiết bị sẽ tự động xử lý để chuyển dữ liệu, cuối cùng là bấm nút in trên thiết bị để in văn bản. Với thành công này, Tường quyết tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa chữa máy hoạt động hợp quy cách hơn, đọc được bằng văn bản tiếng Việt để tặng cho Hội người mù huyện Thăng Bình. Hy vọng một ngày không xa, những quyết tâm của em sẽ sớm thành sự thật để người khiếm thị bớt vất vả hơn trên hành trình đến với con chữ.

DUNG THÙY -  THU SƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đam mê sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO