Nhiều du khách khi tham quan Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An đều không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập độc đáo khoảng 50 loại nhạc cụ dân tộc được chị Đinh Thị Nhật Hạnh (33 tuổi) trưng bày tại đây.
Chị Đinh Thị Nhật Hạnh giới thiệu bộ sưu tập đàn của mình. Ảnh: QUỐC TUẤN |
THI thoảng, tiếng đàn thánh thót vang lên từ chính chủ nhân hoặc một vài du khách ghé thăm tò mò tập tành trải nghiệm khiến không khí trong bảo tàng điểm thêm chút mơ màng và sâu lắng.
Gắn bó với âm nhạc
Quê gốc của chị Đinh Thị Nhật Hạnh ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn, nhưng từ nhỏ gia đình đã chuyển vào sinh sống tại TP.Tam Kỳ. Không phải là gia đình có truyền thống về âm nhạc, nhưng từ nhỏ cô bé Hạnh đã có say mê đặc biệt với các loại nhạc cụ dân tộc. Do điều kiện kinh tế gia đình hạn chế nên Hạnh hiếm khi được tiếp xúc với những loại đàn nhưng tất nhiên những chương trình truyền hình về âm nhạc hoặc tư liệu về các loại nhạc cụ dân gian này thì cô bé hiếm khi bỏ qua và tìm cách sưu tập cho bằng được để dán đầy trong phòng ngủ.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa miệt mài đèn sách tìm cơ hội vào học các trường đại học tốp đầu thì Hạnh lại quyết tâm đăng ký học sư phạm âm nhạc tại Nha Trang. Dù cho gia đình chẳng hề ưng thuận, bởi lo lắng cho đam mê có phần mập mờ và thiếu thực tế của Hạnh. Những năm theo học sư phạm thanh nhạc tại Nha Trang, Hạnh càng có cơ hội tìm tòi và thỏa sức khám phá những nhạc cụ dân tộc độc đáo ở các vùng đất lân cận vốn có nền văn hóa dân gian phát triển như Ninh Thuận hay các tỉnh Tây Nguyên. Càng trùng hợp hơn khi sau này trong những chuyến đi học tập, trau dồi kỹ năng sư phạm về thanh nhạc, chị đã gặp được người - sau này là bạn đời - cũng say mê với âm nhạc dân tộc như mình. Chồng chị, anh Trần Thanh Tuấn (quê ở Huế), tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, hiện là nghệ sĩ biểu diễn đàn nhị phục vụ cho nhiều địa điểm sân khấu ca kịch trong phố cổ Hội An.
Đam mê
Nhiều năm nay, vợ chồng chị Hạnh luôn cố gắng tận dụng những chuyến du lịch để kết hợp với việc sưu tập các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo trải khắp vùng miền. Hạnh phúc vì có một người chồng tâm đầu ý hợp, chị Hạnh chia sẻ: “Bản thân mình là phụ nữ nên gặp rất nhiều bất lợi trong việc sưu tầm, tìm kiếm các loại nhạc cụ để thỏa đam mê. Rất may là chồng mình khá tâm lý và cũng có cùng sở thích nên mỗi chuyến đi xa luôn có anh là bạn đồng hành khiến mọi việc dễ dàng hơn”.
Chị Đinh Thị Nhật Hạnh với cây đàn gáo - một loại nhạc cụ “đặc sản” của phố cổ Hội An xưa. |
Để thu thập được một số loại đàn, không phải cứ đi là sẽ có bởi phải rất am hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc và xuất xứ của nó mới có thể lần dò vào nơi chính gốc sản xuất ra để mua lại. Cũng có trường hợp gặp được loại nhạc cụ hết sức độc đáo, nhưng dù có tiền bao nhiêu cũng không được chủ nhân của chúng chuyển nhượng lại, như cây đàn mai rùa của nhạc sĩ Amưh Nhân (tỉnh Ninh Thuận). Đàn được làm từ mai của con rùa lớn, chỉ sử dụng trong dịp tế lễ của người Chăm nên khá quý hiếm. Lần đó, dù vợ chồng chị Hạnh đã nài nỉ, thuyết phục hết sức nhưng nhạc sĩ Amưh Nhân vẫn kiên quyết không chuyển nhượng. Và cũng thật tình cờ, cũng là sự may mắn, khi lần đó tại nhà nhạc sĩ Amưh Nhân, chị Hạnh có cuộc hội ngộ bất ngờ với một người bạn trong những lần giao lưu âm nhạc trước đây, cũng chính là con gái nhạc sĩ Amưh Nhân. Khi biết chị Hạnh là tri âm của con gái mình và nghe con gái nói về niềm đam mê của bạn thì nhạc sĩ Amưh Nhân mới chịu trao cây đàn cho chị Hạnh.
Với chị Hạnh, mỗi loại nhạc cụ mang đậm hơi thở của một câu chuyện vừa hư, vừa thật. Như cây đàn bầu gắn liền với truyền thuyết tấm chân tình của người vợ có chồng ra chiến trận. Chàng Trương Viên sau bao năm từ sa trường trở về nhờ những âm vang thánh thót của giọt đàn bầu mà nhận ra người vợ thủy chung đã mòn mỏi chờ chồng mà khóc đến mù cả đôi mắt. Cũng nhờ chịu khó đi sâu tìm hiểu, chị Hạnh mới biết được cùng một loại đàn mà tùy vùng miền có cách gọi và kích thước khác nhau như đàn nhị được người Mường gọi là đàn cò ke, còn người miền Nam gọi là đàn cò. Hay cây đàn gáo được làm bằng chiếc gáo dừa một loại nhạc cụ “đặc sản” của phố cổ Hội An xưa tưởng như đã chìm vào dĩ vãng. Ngay cả anh Tuấn chồng chị, khi kiếm được gỗ lâu năm và da trăn cũng đã dành thời gian lụi hụi đóng đàn nhị rồi mày mò chạm khắc biểu trưng Chùa Cầu vào cây đàn để tăng thêm ấn tượng.
Sau nhiều nỗ lực, vợ chồng chị Hạnh cũng thỏa lòng mong mỏi khi bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của mình được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Những cây đàn điểm xuyết thêm cho một Hội An vốn rêu phong, liêu trai. Nói về hoạt động trưng bày nhạc cụ tại bảo tàng, chị Hạnh mở lời tâm sự: “Ngay từ đầu tôi chỉ muốn góp thêm một chút bản sắc cho tinh hoa của văn hóa Hội An từ việc làm này chứ thu nhập từ nó không đáng là bao. Nếu có dịp, vợ chồng tôi vẫn sẽ thực hiện những chuyến đi về miền đất mới để làm đầy thêm bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc này”.
Nỗi niềm
Cách đây 2 năm, vợ chồng chị Hạnh từng mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên tại Hội An. Nhưng theo thời gian, lớp học ngày càng vơi dần rồi đóng hẳn bởi học viên không đủ kiên trì và đam mê để chơi những loại nhạc cụ dân tộc. Theo chị Hạnh, âm nhạc không phải nơi để “cưỡi ngựa xem hoa”, muốn sử dụng thành thạo một loại đàn nào đó phải mất nhiều năm khổ luyện mới có thể “hái quả ngọt”. Ở thời buổi hiện nay, quãng thời gian đó quả thực là thách thức quá khắc nghiệt để các học viên không có nguyện vọng theo con đường âm nhạc chính quy có thể miệt mài bỏ công để theo đuổi.
Hiện tại, chị Hạnh giảng dạy tại một trường THCS trên địa bàn TP.Hội An và trong các tiết học âm nhạc chị luôn nghiên cứu tìm cách phổ biến thêm các điệu lý để học sinh có được kiến thức cơ bản về âm nhạc dân gian. “Giá trị của nhạc cụ dân tộc vô cùng lớn lao, nó không chỉ là loại hình biểu diễn giải trí mà còn chứa đựng cả bản sắc và văn hóa của cội nguồn. Nếu đến lúc vì lý do mai một mà một số loại đàn nào đó không còn ai sử dụng và biết đến nữa nghĩa là tinh hoa, hồn cốt của dân tộc đã vơi đi” - chị Hạnh bùi ngùi chia sẻ.
QUỐC TUẤN