Nhiệm kỳ qua, các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ huyện Thăng Bình đã có nhiều hoạt động, phong trào đoàn tạo điểm nhấn, đem lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân và các cấp đánh giá cao.
Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên huyện Thăng Bình. Ảnh: VINH ANH |
Người trẻ làm kinh tế
“Để Đoàn thật sự là bạn của thanh niên thì phải thật sự hiểu tâm lý của từng đối tượng thanh niên. Chỉ có những hoạt động, phong trào phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi cụ thể mới có sức sống tự thân và bền vững. Tổ chức đoàn muốn mạnh, phải bắt đầu từ cơ sở”. (Anh Trương Quốc Hiệp - Bí thư Đoàn xã Bình Định Bắc) |
Tại Thăng Bình, những mô hình hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ sở hữu, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là xã viên đang được nhân rộng và trở thành hướng đi chính trong quá trình đưa thanh niên nông thôn làm giàu trên quê hương. Anh Nguyễn Cao Cường - Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho biết, phát triển các HTX thanh niên là xu thế tất yếu, hướng đi phù hợp giúp ĐVTN phát triển kinh tế. Thời gian qua, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình này. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp ĐVTN hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của HTX thanh niên, các cấp bộ đoàn còn phối hợp với các ban, ngành tăng cường tư vấn pháp lý cho thanh niên về nội dung liên quan đến phát triển loại hình HTX. Qua đó, giúp ĐVTN hiểu rõ cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của mô hình; lựa chọn, xây dựng loại hình HTX phù hợp với điều kiện phát triển.
Mô hình HTX Nông nghiệp Bình Hải do anh Trần Văn Nhẫn khởi xướng có 15 thanh niên góp cổ phần, với các hoạt động như: cung ứng giống vật tư nông nghiệp cho người dân; thu gom rác; đầu tư xây dựng lò mổ tập trung với diện tích 500m2, đáp ứng nhu cầu cho các xã lân cận như Bình Sa, Bình Đào. Trong khi đó, người được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 - anh Ngô Thanh Phong (trú thôn Vĩnh Long, xã Bình Trung) đã mạnh dạn thành lập HTX nông nghiệp mang tên Phú Phong. Hiện HTX có 8 xã viên trong độ tuổi thanh niên với vốn điều lệ gần 2,5 tỷ đồng, kinh doanh các ngành nghề như: dịch vụ thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất, thu gom, cung cấp nông sản, cơ giới nông nghiệp.
Đoàn viên thanh niên Thăng Bình ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên đoạn đường thanh niên tự quản. Ảnh: VINH ANH |
Chị Phan Thị Nhi - Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình chia sẻ, mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ xuất hiện ở địa phương ngày càng nhiều. Trong đó, có không ít trường hợp ĐVTN sau khi tốt nghiệp đại học không tìm việc làm ở các cơ quan, đơn vị hay công ty, xí nghiệp, mà mạnh dạn về quê đầu tư vốn, học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn hình thành nên các mô hình kinh tế hiệu quả cao, nhất là hướng đến thành lập các tổ hợp tác, HTX. Trong đó, ngoài HTX Nông nghiệp Bình Hải, HTX Nông nghiệp Phú Phong còn có các điển hình như HTX Thanh niên (thị trấn Hà Lam), HTX Ngư nghiệp thanh niên Bình Minh, HTX Tứ Sơn Life (xã Bình Trung)… Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết: “Trong 5 năm qua, các mô hình HTX thanh niên trong huyện đã thực sự là “bà đỡ” cho kinh tế hộ và nông dân. Các mô hình đã góp phần vào thành công trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.
Tập hợp sức mạnh
Những con số “biết nói” Trong 5 năm qua, các cấp bộ đoàn của huyện Thăng Bình đã kết nạp 7.705 đoàn viên mới và giới thiệu 1.146 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng; xây dựng 9 công trình thanh niên cấp huyện với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tổ chức hơn 100 chương trình “Thắp sáng ước mơ”, vận động gây quỹ hơn 5,2 tỷ đồng trao học bổng cho học sinh nghèo, nhận giúp đỡ 51 “em nuôi khăn quàng đỏ” và 125 “em nuôi của đoàn” với mức 200 - 300 nghìn đồng/tháng/trường hợp. Ngoài ra, tổ chức hơn 2.540 đợt tình nguyện; 170 ngày Chủ nhật xanh, ngày thứ Bảy tình nguyện; thực hiện, 45 đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; triển khai 300 đợt ra quân vì môi trường… Các cấp đoàn cũng đã giới thiệu việc làm cho hơn 3.230 lượt thanh niên; toàn huyện có 108 dự án thanh niên vay vốn theo Chương trình 120 với tổng số vốn hơn 2,2 tỷ đồng. (VINH ANH) |
Nhiều năm liền Huyện đoàn Thăng Bình là đơn vị thi đua xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh, trong đó 2 năm liền (2015-2016) được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Thành quả đó có sự đóng góp tích cực từ đoàn cơ sở. Ngay như Bình Minh là một xã bãi ngang ven biển còn khó khăn nhưng hoạt động đoàn vẫn đạt nhiều kết quả. Để đoàn kết tập hợp thanh niên, Bí thư Đoàn xã Trần Khánh Thư đã tìm nhiều cách “giữ lửa” phong trào. Đoàn xã luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế trong thanh niên với việc tham gia hỗ trợ thành lập nhiều mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế như mô hình liên kết nước đá, nước đóng chai, tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Từ nhiều năm nay, Đoàn xã đã làm cầu nối giữa ĐVTN với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng khác trên địa bàn để họ tiếp cận nguồn vốn vay với tổng dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Những thanh niên vay vốn làm ăn đều vươn lên phát triển kinh tế, không có trường hợp nào để nợ quá hạn. Cũng từ nguồn vốn vay đó, thanh niên Hồ Văn Lâm đã trở thành “ông chủ” nhỏ ở xã biển với cơ sở sản xuất nước đá có quy mô lớn. “Tùy thời điểm, mỗi ngày cơ sở sản xuất 100 - 250 cây đá; những lúc vào mùa, có ngày sản xuất gần 300 cây đá mới đủ cung ứng, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương” - anh Lâm nói. Ngoài việc trợ sức thanh niên làm kinh tế, Chi đoàn thôn Tân An còn thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới với việc huy động nguồn lực làm hơn 5km điện đường thắp sáng liên xóm. Bí thư Chi đoàn thôn Tân An - Võ Thị Thanh Vân cho biết, bên cạnh vận động chi phí lắp đặt, ĐVTN của thôn còn đứng ra đảm nhận khâu sửa chữa, kiểm tra định kỳ đảm bảo an toàn cho các đường điện chiếu sáng.
Tại xã Bình Dương, cả 7 chi đoàn thôn hiện nay đã hoàn thành 2 chương trình “Thắp sáng đường quê” và “Thắp sáng ước mơ”. Riêng với chương trình “Thắp sáng ước mơ”, có chi đoàn gây quỹ được hàng trăm triệu đồng từ việc tổ chức các chương trình để vận động kinh phí đóng góp của mạnh thường quân, hay việc gom ve chai, nuôi heo đất... Ngoài ra, các chi đoàn còn có một số cách để gây quỹ như: nhận vận chuyển bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng, vận chuyển cát sạn làm đường bê tông giao thông, tổ chức giải bóng đá, chương trình văn nghệ gây quỹ… Thậm chí có bí thư chi đoàn tự nguyện đóng góp vào quỹ những khoản tiền thưởng cá nhân để gây hiệu ứng cho phong trào. Bí thư Chi đoàn thôn Đông Hà - anh Phạm Minh Thành nói: “Có kinh phí, hoạt động đoàn cũng... tự tin hơn. Quan trọng là ĐVTN phải có tinh thần đoàn kết chung tay tự thân vận động để tạo quỹ hoạt động, chứ không trông chờ kinh phí cấp”.
T.NGÂN - V.ANH - H.CƯỜNG