Đàn bà đo nước

THIÊN LANG (Ghi theo lời kể của ĐẶNG LAN ANH - Trưởng trạm Thủy văn Ái Nghĩa) 05/11/2017 09:42

“Một quan trắc viên dành cả cuộc đời theo từng cơn lũ, từng trận mưa, từng cơn bão, luôn chuẩn bị sẵn sàng lao vào nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra. Có thể ít người hiểu được tầm quan trọng của công việc chúng tôi, nhưng thật sự chúng tôi không quan tâm nhiều lắm đến điều đó. Bởi chúng tôi yêu cái nghề này, để có thể làm được điều có ý nghĩa cho người dân”.

Đặng Lan Anh. Ảnh: Huỳnh Trương Phát
Đặng Lan Anh. Ảnh: Huỳnh Trương Phát

1. Rạng sáng 5.10.2017, trên sông Yên thuộc huyện Đại Lộc, một chiếc sà lan vận chuyển cát đã va chạm mạnh vào công trình quan trắc mực nước của Trạm thủy văn Ái Nghĩa, sau đó bỏ đi. Công trình bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động. Tôi không hề biết sự việc bởi lúc đó chưa tới ca trực. Thật sự là ác mộng đối với người làm nghề thủy văn. Cũng may mắn, tại trạm có một hệ thống quan trắc tự động thu thập số liệu đồng thời với công trình chính. Chúng tôi có thể sử dụng tạm thời số liệu để chuyển về Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Quảng Nam. Sau đó là thực hiện những công việc cần thiết: báo cáo về cơ quan; bì bõm lặn ngụp tìm 2 cây thủy chí bị hư hại đang nằm dưới lòng sông. Khi đưa được thủy chí lên thì cũng là lúc mực nước lên khá cao nên phải dừng việc khắc phục công trình. Trở về phòng làm việc, tôi nhận được điện thoại của mẹ (mẹ tôi đã nghỉ hưu, sau hơn 30 năm làm nghề thủy văn), mẹ hỏi tình hình công việc, rồi nói về những lần mẹ gặp sự cố với công trình khi còn làm việc. Ký ức những ngày thơ ấu bỗng như tràn ngập sau cuộc gọi của mẹ.

Năm 17 tuổi, với duy nhất bản sơ yếu lý lịch, mẹ tôi - Phạm Thị Toàn từ Tam Kỳ theo một người cậu ra Đà Nẵng rồi gia nhập vào lực lượng làm công tác KTTV. Trong suốt những năm tháng thanh xuân, mẹ đã đặt chân lên mọi nhánh sông đất Quảng Đà. Từ Ái Nghĩa, về Hội An, Cẩm Lệ rồi dừng chân ở vùng núi Hiệp Đức heo hút. Có lẽ nghề nghiệp của mẹ đã nhuốm màu tuổi thơ tôi, tôi không thích mùa mưa lũ, bởi đó là những ngày dài đằng đẵng với cây thước, đèn pin, cốc đo mưa… Có những đêm tỉnh giấc nghe bước chân mẹ đi trực, những trận mưa khủng khiếp cứ trút xuống bờ vai run rẩy, chỉ thấy được ánh đèn pin loang loáng ướt sũng, lặn ngụp trong vùng tối bên bờ sông ầm ào sóng lớn. Tiếng mẹ với cái máy Icom cứ văng vẳng trong giấc ngủ say nồng của tôi: “Hiệp Đức - T1, Hiệp Đức - T1” (T1 là hô hiệu Trung tâm KTTV Quảng Nam nay là Đài KTTV Quảng Nam, nơi nhận trực tiếp số liệu của các trạm trên địa bàn). Rồi lại nghe thấy tiếng í ới đồng nghiệp của mẹ gọi nhau trên sóng vô tuyến “Toàn ơi mưa lớn không? Nước xuống chưa?”; giọng mẹ hoạt bát và vui vẻ với tình cảm của các cô chú dành cho mình. Trắng đêm mẹ vẫn không ngừng làm việc, ban ngày vẫn liên tục trả lời điện thoại, liên tục báo cáo tình hình cho hạ lưu. Rồi những lần sét đánh cháy trạm điện, mẹ lại loay hoay bên chiếc máy phát điện mỗi lần tới ca trực. Tuy chỉ mới 12 tuổi, nhưng tôi biết những điều này. Tôi cũng không thể tưởng tượng mình có thể nói lưu loát, rành rọt về nghề thủy văn. Có lẽ nó đã ngấm dần dần từ lúc còn rất nhỏ.

Rồi tôi cũng quyết định theo nghề thủy văn, dù mẹ muốn tôi học khí tượng (vì các trạm khí tượng thường được đặt ở thành thị, đông dân cư, còn trạm thủy văn thường tọa lạc ở miền núi hoang vu, dân cư thưa thớt). Tôi vẫn học thủy văn bởi tôi chỉ có thể tự tin khi được làm công việc mà tôi yêu từ nhỏ. Ngày tôi đi học, cứ mỗi lần trời đổ mưa, tôi lại bất giác nhìn đồng hồ, giống y như mẹ tôi luôn theo dõi giờ mưa dù có trong ca trực hay không. Tôi nhớ như in cái lần thi vấn đáp, sau khi trả lời tất cả câu hỏi, thầy giáo bất chợt đặt câu hỏi cuối: “Theo em, ngành thủy văn chúng ta quan trọng nhất điều gì?”. Tôi đã nghĩ ngay đến sự tận tụy, hết lòng với nghề của mẹ, và tôi trả lời: “Dạ thưa thầy, đó chính là con người, là sự nhiệt huyết, yêu nghề của những quan trắc viên”. Vậy đó, tôi đã là một “quan trắc viên nhí” dưới sự đào tạo không chính thức của mẹ.

2. Rồi tôi cũng tốt nghiệp ngành thủy văn. Ngành này tuy ít người theo đuổi nhưng để xin được việc cũng không phải dễ. Ra Hà Nội thi công chức lần đầu tiên, tôi bị đánh rớt. Thất nghiệp, tôi về nhà luyện nghề với mẹ, mùa lũ năm 2006 tôi được làm hợp đồng ở huyện Đông Giang, công tác ở một trạm cheo leo bên bờ sông A Vương. Cuối tháng 9 năm đó, cơn bão Xangsane ập vào miền Trung, mưa lớn, nước lên nhanh, bờ sông sạt lở, chúng tôi phải trực 24/24 giờ, có khi phải quan trắc 20 phút một lần khi có yêu cầu. Có những đêm khuya, vài người đàn ông thấy đèn sáng ở trạm, họ đập cửa mượn chén, ly hay tô. Tôi tiến ra phía cổng đưa cho họ thứ họ muốn mượn, và cầm theo một cây gậy ở tay phải, và từ hôm đó họ không mượn gì nữa. Nữ quan trắc viên, phải dũng cảm mới có thể theo nghề. Tôi hiểu vậy. Thi công chức lần 2, do có kinh nghiệm, tôi đã đậu. Được phân công về một trạm thủy văn cấp 1, đó là một vinh dự lớn với một nữ quan trắc viên (thông thường, trạm cấp 1 chỉ có những biên chế nam vì công việc nặng nhọc, phức tạp hơn các trạm khác). Đó là cơ hội được thực hành những gì đã học, và quan trọng nhất đó là thời khắc tôi trở thành đồng nghiệp với mẹ, được sống với cái nghiệp chúng tôi trân quý.

Thời gian làm việc ở trạm thủy văn Thành Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ huyện Nam Giang) là một khoảng thời gian khó quên. Trạm nằm ngang sườn dốc đứng bên bờ sông Cái, cách ly hoàn toàn với khu dân cư. Sông hẹp và dốc, mỗi lần lũ lên xuống đều trong thời gian ngắn, vì vậy, cứ có lũ chúng tôi lại liên tục lao ra sông trên chiếc thuyền đo lưu lượng, có đêm gió lớn, đập vỡ kính, găm mảnh vào bắp chân của anh trạm trưởng Nguyễn Quốc Nguyện, máu chảy ròng ròng. Anh em tập trung sơ cứu cho anh, đưa lên trạm xá rồi tiếp tục ra sông để “bắt” cho được đỉnh lũ (tiếng lóng của dân thủy văn, nghĩa là đo được tốc độ dòng chảy ở mực nước cao nhất của trận lũ). Vết thương vừa cầm máu, trạm trưởng lập tức quay về trạm, mang theo con gà tranh thủ nấu cháo để anh em đo xong có cái tẩm bổ đêm khuya. Ngoài tình yêu nghề nghiệp, chúng tôi còn có một tình cảm yêu quý dành cho những người đang đồng hành với nhau trong bão lũ. Năm 2009, cơn lũ lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn cho tỉnh Quảng Nam. Những đồng nghiệp dạn dày kinh nghiệm cũng không thể tin vào mức nước khi đó. Lũ lên ban đêm, rất nhanh nhấn chìm văn phòng trạm cùng dãy nhà tập thể, kéo phăng con thuyền 5 tấn mà chúng tôi vẫn thường ra sông “bắt” đỉnh lũ, dù đã được buộc néo khá kỹ càng. Chúng tôi chỉ kịp gom tài liệu sổ sách, di tản máy móc, còn toàn bộ tư trang đành phải bỏ lại. Mưa suốt đêm, không ai dám ngủ, tìm mọi cách nối lại liên lạc với đồng bằng...

3. Cuối năm 2010, tôi lập gia đình, và được chuyển về quê chồng bên bờ sông Vu Gia – Đại Lộc. Liệu đó có phải định mệnh không khi tôi về làm dâu ở một nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của Quảng Nam. Trạm thủy văn Ái Nghĩa, tôi nhớ có lần khi đi công tác ngang qua, chứng kiến “bố” Nguyễn Cam (trưởng trạm lúc bấy giờ) lội bì bõm, ngập ngụa trong lớp bùn non mới bồi, vác máy lưu tốc kế để ra phía sông đo lưu lượng dòng chảy cạn, con đường đi chỉ là một chiếc cầu tre mỏng manh ngập đầy nước, cỏ tranh. Một ngày 8 lần đi ra đi vô quan trắc, không thể nói hết sự vất vả của “bố”. Ngày tôi về trạm cũng là lúc “bố” về hưu, tôi lỡ một cơ hội kế thừa kinh nghiệm của “bố”. Về “rốn lũ”, công việc càng nguy hiểm nhưng cũng càng thú vị thêm với một người làm công tác thủy văn như tôi. Khi có mưa gió, hay có thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão… là người dân trong vùng lại dồn dập gọi điện thoại đến trạm. Đôi khi sau những đêm trắng quan trắc, chỉ muốn được ngả lưng một chút, nhưng vẫn phải trả lời những cuộc gọi đến, bởi tôi biết người dân ở đây còn mệt mỏi hơn mình. Lý do là sau nhiều cơn lũ ngặt, người dân luôn cảnh giác cao độ với những đập thủy điện phía đầu nguồn, chỉ cần một công trình thủy điện xảy ra sự cố hay xả lũ là tin đồn vỡ đập lại lan truyền, người dân lại cuống cuồng gom tài sản, dắt gia súc rồng rắn lên những chỗ cao. Hậu quả của thiên tai không chỉ nằm ở những thiệt hại ngay lúc xảy ra, mà nó đã để lại những dư chấn bất an ám ảnh họ. Và trạm thủy văn trở thành nơi họ trông đợi: “Con ơi, nước lên nữa không, nhà cô nuôi vịt nhiều lắm?”; “Em ơi nước trên Nam Giang xuống chưa? Còn lên nhiều không?”; “Chị ơi, em đi làm ở Sài Gòn, khu Quảng Huế ngập chưa chị, nhà em ở đó, lo quá chị!”… Lúc đó, người dân chỉ mong nhận được chính xác thông tin tình hình. Tôi lấy đó làm động lực vượt qua những mệt mỏi. Sau lũ, tôi lại nhận được những lời cảm ơn, hay chỉ là gói bánh, chừng đó cũng đủ cho tôi cảm giác trân trọng hơn nghề nghiệp của mình.

Tôi năm nay 32 tuổi. Sau 10 năm làm nghề, tôi vẫn giữ một niềm tin sôi nổi như lúc mới bước vào nhận việc, chẳng có khó khăn nào làm chùn bước một phụ nữ làm nghề thủy văn, ngược lại tôi càng phải biết dũng cảm mới có thể theo nghề suốt đời.

THIÊN LANG
(Ghi theo lời kể của ĐẶNG LAN ANH - Trưởng trạm Thủy văn Ái Nghĩa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đàn bà đo nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO