Dân biến 1908 và phong trào Duy tân

LÊ THÍ 16/01/2023 09:16

Nhìn lại cuộc dân biến 1908 cách đây 115 năm chúng ta có thể khẳng định đây là sản phẩm của phong trào Duy tân. Không có phong trào Duy tân với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” sẽ không có sự thức tỉnh của người dân để đòi Dân quyền.

Đình làng Phiếm Ái.
Đình làng Phiếm Ái.

115 năm nhìn lại

Phong trào đấu tranh cách mạng với những cuộc biểu tình đông hàng nghìn người diễn ra ở Quảng Nam rồi lan khắp các tỉnh miền Trung vào đầu năm 1908 được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, chính biến kháng sưu, cúp tóc xin xâu, loạn đầu bào, Trung Kỳ dân biến…

Gần đây một số nhà nghiên cứu đề nghị “cần chính danh cho phong trào này là Phong trào dân biến hay Cuộc dân biến năm Mậu Thân (1908) ở Trung Kỳ như Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng - những người trong cuộc - từng gọi. (Nói về sự kiện này Phan Châu Trinh từng viết sách “Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký” còn Huỳnh Thúc Kháng viết “Mậu Thân dân ký biến”).

Dù gọi tên gì thì tựu trung phong trào là những cuộc biểu tình vĩ đại đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta “có tầm mức quan trọng, từ trước chưa từng thấy ở Việt Nam” (Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy tân). Song, đây là cuộc đấu tranh chính trị bất bạo động.

Đáng tiếc, việc diễn ra không đồng bộ giữa các địa phương đã làm cho phong trào yếu đi và kẻ thù có điều kiện trấn áp. Phong trào bộc khởi ở Đại Lộc (Quảng Nam) vào ngày 9/3 sau đó lan ra khắp tỉnh. Ngày cuối tháng 3 ở Quảng Ngãi, sang tháng 4 diễn ra ở Thừa Thiên và Bình Định. Tháng 5 ở Phú Yên, cuối tháng 5, tháng 6 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.

Đáng nói hơn, từ cuộc dân biến này, người Pháp đã có cớ để đàn áp dã man các phong trào. Tất cả thành tựu mà phong trào Duy tân xây dựng trong 4 năm (1904 - 1908) bị phá sạch. Hội thương Quảng Nam (dù có sự tham gia của các quan và người Pháp) bị đóng cửa, “hội buôn, trường học bóng tan bọt chìm” (Phan Thúc Duyện). Thân sĩ của cả hai phong trào Duy tân và Duy Tân hội đều hoặc bị giết hoặc bị bắt giam không ở nhà lao các tỉnh thì cũng “đoạn viên” với nhau không rừng thiêng Lao Bảo cũng trùng khơi Côn Đảo.

Có hay không mối quan hệ?

Lâu nay một số nhà nghiên cứu vẫn nghĩ rằng giữa cuộc dân biến và phong trào Duy tân không có mối quan hệ gì với nhau. Họ nghĩ như vậy vì, trên thực tế không có một lãnh tụ lớn nào của phong trào Duy tân tham gia lãnh đạo trực tiếp phong trào. Khi cuộc biểu tình nổ ra Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội, Trần Quý Cáp đang dạy học ở Khánh Hòa, còn Huỳnh Thúc Kháng đang ở Tiên Phước nơi không hề có biến động nào.

Huỳnh Thúc Kháng khi trả lời viên Đại lý ở Tam Kỳ vào chiều tối 24/2 cũng đã khẳng định: “Ngày nay nhân dân xin xâu, chỉ vì bần khổ bức xúc cùng bị quan lại tham nhũng bức hiếp, không nơi kêu thấu, họ làm thế chỉ là kêu oan, tôi có dự vào việc ấy làm gì? (Huỳnh Thúc Kháng niên phổ; Thơ trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để).

Còn Phan Châu Trinh trong tác phẩm “Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký” cũng cho rằng nguyên nhân xảy ra dân biến là do xâu cao thuế nặng dân chịu không nổi nên phản ứng (dẫn chứng bằng hai địa phương Đại Lộc và Hà Đông - Tam Kỳ) và khi sự cố xảy ra thì Công sứ Quảng Nam và Khâm sứ Trung Kỳ xử lý không đúng nên đổ hết trách nhiệm cho các thân sĩ.

Không thể tách rời

Thực ra khi viết “Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký” mục đích của Phan Châu Trinh là để minh oan và tố cáo, còn Huỳnh Thúc Kháng viết “Mậu Thân dân biến ký” khi đang ngồi tù ở Côn Đảo, nên hai ông không thể nói hoàn toàn sự thật.

Sau này dựa vào một số tài liệu còn lưu trữ ở Pháp, ta biết rằng, từ sớm người Pháp đã nhận thấy mối quan hệ giữa các lãnh tụ phong trào Duy tân với cuộc tổng diễn tập năm 1908. Như trong báo cáo của Thanh tra dân sự vụ Đông Dương - Dufrenil (ngày 22/9/1908): “Người ta có thể khẳng định rằng những người của Phan Châu Trinh đã đi khắp các tỉnh Trung Kỳ... Tất cả chứng tỏ chắc chắn rằng có một tổ chức nghiêm túc và chúng ta đang đứng trước kế hoạch đã được nghiên cứu từ lâu và những cuộc biểu tình mới đây chỉ là dấu hiệu báo trước cho một tình trạng trầm trọng hơn”.

Mặt khác, nhìn lại toàn bộ cuộc dân biến ta thấy, các cuộc biểu tình vĩ đại đã thể hiện đúng đích đến của phong trào Duy tân: Dân đòi giảm sưu thuế, không đi phu là đòi hỏi một vấn đề dân sinh. Vào thời đó, đây là vấn đề thuộc loại “xương máu” của chủ nghĩa thực dân Pháp, là chuyện “sát sườn” của người nông dân.

Để thực hiện đòi hỏi liên quan đến vấn đề dân sinh người dân phải có trình độ nhận thức về quyền của mình (dân trí) và dũng cảm đứng dậy đấu tranh đòi hỏi (dân khí). Qua các cuộc biểu tình vĩ đại ta thấy chính nhờ phong trào Duy tân mà trình độ dân trí được nâng lên, họ đã ý thức được quyền của mình và không còn sợ bạo quyền!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm “Phong trào Duy tân” cho rằng: “Ngay từ đầu, tôi đã khẳng định không thể tách rời chính biến này khỏi phong trào Duy tân. Vì chính nó là bộ phận thiết yếu của phong trào, là cái thành tựu lớn nhất  khi tư tưởng Dân quyền phổ biến và tác động sâu rộng trong dân chúng…

Nói tới cúp tóc xin xâu, “công cuộc kháng thuế vĩ đại” mà không đặt nó trong toàn bộ của phong trào Duy tân là một sai lầm nghiêm trọng. Vì nó không nêu những yêu sách mới lệch lạc nào mà chỉ đi đúng trong vòng những yêu sách, đã được quảng bá rộng rãi theo “Đầu Pháp chính phủ thư” của lãnh tụ Phan Châu Trinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân biến 1908 và phong trào Duy tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO