Dân chủ và luật đất đai

NGUYỄN ĐIỆN NAM 08/01/2023 05:49

Khởi đầu năm mới, một việc khá “xương xẩu” đặt ra cần phải giải quyết từ 3/1- 15/3/2023, là lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đây có thể xem là hành động bảo đảm thực thi quyền công dân, phát huy dân chủ rộng rãi, minh bạch để xây dựng pháp luật. Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã định hướng rõ mục tiêu của việc này là để huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đối tượng lấy ý kiến cũng khá rộng, bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nói đây là công việc khá “xương xẩu” bởi phải huy động rất nhiều phương tiện, công cụ, nhân lực để ghi chép, tổng hợp đầy đủ mọi ý kiến đóng góp, cả trực tiếp và gián tiếp, cả trên nền tảng mạng lẫn đường thư.

Hơn thế nữa, công việc tổng hợp ý kiến còn đặt ra phải trung thực, chính xác và phải có giám sát để tránh trường hợp “ý kiến rất sát nhưng không được tổng hợp, hoặc tổng hợp khác đi” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng yêu cầu.

Mặt khác, do tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung giữa các luật như: pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý tài sản công, pháp luật về lâm nghiệp... với pháp luật về đất đai dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện (kết quả rà soát cho thấy, có 22 trong tổng số 112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai 2013), nên công việc nảy sinh sẽ kéo theo việc sửa đổi nhiều luật nữa rất cần thu thập ý kiến.  

Ngay lập tức Bộ Tài nguyên - Môi trường đã mở ra một kênh góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ: luatdatdai.monre.gov.vn. Vào trang thông tin này có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ dự thảo luật, từng chương, điều mục và các ô mở sẵn để ghi ý kiến và gửi đi.

Đặc biệt, ngoài dự thảo luật có thể tham khảo báo cáo tổng kết về thực hiện Luật Đất đai 2013, qua đó biết được đánh giá thành tựu và hạn chế thực thi chính sách quản lý đất đai thời gian qua, rồi từ những bất cập được mổ xẻ có thể nghiên cứu góp ý xác đáng về giải pháp trong dự luật sửa đổi.

Thiển nghĩ, việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân vào các dự thảo luật, nhất là với lĩnh vực đất đai khá nhiều vấn đề phức tạp, là phát huy cao độ tinh thần dân chủ. Đó là cách hữu ích để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào đời sống một cách thiết thực, rằng phải tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất nhằm góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Năm dương lịch 2023 đã bắt đầu, Tết Nguyên đán Quý Mão đã cận kề, triển khai một công việc cấp thiết như thế này trong dịp nghỉ nhiều ngày vừa thuận lợi vừa khó khăn. Sẽ thuận lợi cho những ai quan tâm đến luật pháp, đặc biệt luật đất đai ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân, có thời gian nghiên cứu góp ý. Sẽ khó khăn với những ai mải vui hội hè. Hy vọng tinh thần dân chủ sẽ được phát huy đầy trách nhiệm với đông đảo hưởng ứng và tập hợp được nhiều ý kiến giá trị!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân chủ và luật đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO