(QNO) - Sự phát triển nhanh về số lượng, môi trường sống bị thu hẹp... khiến nhiều bầy khỉ tràn xuống nhà dân ở Cù Lao Chàm phá phách tìm thức ăn.
Phá như khỉ
“Bữa nay không dám để bánh trái trong nhà, chỉ cần lơ là là khỉ vào lấy ăn hết” - ông Phan Đó ở xóm Mới (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An) phàn nàn khi được hỏi chuyện về khỉ. Ông Đó cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây mật độ khỉ vào nhà lục tìm thức ăn ngày càng nhiều; sáng, trưa, chiều, tối bất cứ lúc nào nếu thấy vắng người.
Nhà ông Phan Đó cách chân núi một con đường, hầu như ngày nào cũng có khỉ ghé vào. Để phòng ngừa, tất cả cửa sổ, lỗ thông gió đều được gia đình che chắn, bịt bằng lưới sắt, còn thành viên trong nhà thì chia nhau ngồi canh khỉ. “Khỉ đi theo bầy đàn từ vài con đến chục con, chỉ cần có kẽ hở là chui vào lùng sục kiếm ăn” - ông Đó kể.
Tại xóm Mới, hầu như nhà nào cũng bị khỉ đột nhập kiếm thức ăn, kể cả mở nồi tìm cơm nguội. Dù đến nay chưa ai bị khỉ tấn công nhưng một số nhà có con nít luôn bất an không dám để trẻ ở nhà một mình. Khỉ phá nhà đã trở thành vấn nạn của người dân trên đảo. “Trước đây có báo chính quyền nhưng không thấy xã có giải pháp gì. Bây giờ chúng tôi thật sự bất lực” - ông Đó nói.
Xóm Mới gần chân núi nên bị khỉ phá nhiều nhất, vài nơi khác như xóm Giữa, xóm Đình khỉ cũng ghé thăm nhưng tần suất ít hơn. Không chỉ tìm kiếm thức ăn, chuyện khỉ chạy nhảy trên mái tôn, tranh giành, đánh nhau chí chóe cả ngày khiến người dân khó chịu.
Theo ông Lê Ngọc Quang - người dân xóm Mới, việc khỉ thường xuyên đột nhập nhà đã làm cuộc sống gia đình ông và các hộ dân đảo lộn. Nhiều gia đình không dám thờ cúng trái cây lâu, vài nhà phải lắp đặt cửa cho khóm, trang thờ đề phòng khỉ. “Hồi trước đi đâu cũng không cần đóng cửa nhà, nhưng bây giờ thì khỉ phá còn hơn nạn trộm cướp” - ông Quang nói. Nhà ông Quang mở quán cà phê nên càng khổ sở hơn khi khỉ thường xuyên tới tìm thức ăn, nước uống.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, với tầm của xã, địa phương chủ yếu khuyến cáo người dân bình tĩnh không bạo lực với khỉ, bởi đây là động vật hoang dã vì thiếu thức ăn nên phải xuống nhà dân tìm, lâu ngày thành quen. Địa thời báo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và TP.Hội An nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân và có giải pháp khoanh vùng bảo vệ khỉ tránh gây xung đột với người.
Chưa có giải pháp
Với khoảng 1.549ha rừng tự nhiên, Cù Lao Chàm là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Trong đó một số loài khỉ, chim yến, tê tê được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.
Theo số liệu khảo sát trước đây của Trường Đại học Nông lâm Huế, khỉ trên Cù Lao Chàm chủ yếu là loài khỉ vàng (Macaca mulatta), đây cũng là loài thú hoang dã có kích thước lớn nhất trên đảo. Kết quả nghiên cứu bước đầu xác định được 8 đàn khỉ vàng với 88 cá thể. Đa số phân bố khu vực tây nam của đảo. Đàn có số lượng cá thể lớn nhất được ghi nhận thuộc tuyến điều tra Bãi Xếp với 15 cá thể, đàn ít nhất thuộc tuyến Bãi Bìm với 7 cá thể. Ước tính mật độ khỉ vàng trên các tuyến điều tra là 64,2 cá thể/km2.
So với các khu vực khác trong đất liền ở miền Trung thì mật độ loài khỉ vàng ở Cù Lao Chàm cao hơn rất nhiều. Các đàn khỉ vàng trên đảo thường xuyên xuất hiện ở các khu vực gần dân cư hoặc vườn đồi để trộm thức ăn của người dân, trong đó khu vực Bãi Xếp có tỷ lệ bắt gặp cao nhất là 83,3%.
Clip khỉ xuống nhà dân tìm thức ăn:
Có thể khẳng định, nhờ các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong vài năm trở lại đây đã giúp bảo tồn và gia tăng đáng kể số lượng khỉ. Một số ý kiến cho rằng, khỉ liều lĩnh vào nhà dân tìm thức ăn có nguyên nhân từ sự tăng trưởng bầy đàn nhanh khiến nguồn thức ăn của khỉ hạn chế.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều công trình trên đảo, nhất là tuyến đường quốc phòng ven đảo đã khiến môi trường sống của khỉ bị thu hẹp, chưa kể cây ăn trái bị đốn, ngã cũng làm nguồn thức ăn khan hiếm, buộc khỉ phải xuống nhà dân kiếm ăn. Đặc biệt, việc du khách cho khỉ ăn lâu ngày tạo thói quen cho loài động vật này.
Ông Võ Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thừa nhận, hiện đơn vị vẫn chưa có giải pháp cụ thể để ngăn đàn khỉ xuống nhà dân, tất cả mới ở dạng đề xuất nghiên cứu. Còn với các hộ dân trên đảo, để xua đuổi khỉ, chủ yếu hò hét, dù vậy một số khỉ già vẫn không sợ, thậm chí hằm hè khi phát hiện người xua đuổi là phụ nữ và trẻ em.
Không phủ nhận bảo tồn động vật hoang dã là việc làm cần thiết nhưng nếu không có sự kiểm soát và giải pháp phù hợp khó tránh khỏi những hệ lụy. Xem ra việc sống chung với khỉ vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết của người dân Cù Lao Chàm.