Mỗi mùa mưa lũ về cũng là thời điểm thuận lợi để người dân xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) quê tôi đi săn cua đồng. Không chỉ có thêm nguồn thu nhập, mẹ tôi còn tranh thủ chế biến nhiều món ngon từ cua, đặc biệt là bún riêu.
Cua sau khi được ba bắt về mẹ không vội làm mà rộng cua trong chậu nước sau một đêm để cua nhả bùn đất và sáng mai bắt đầu vặt sạch mai, yếm, càng, chân để ráo và tách lấy gạch cua để riêng vào một cái chén nhỏ. Xong phần sơ chế cua đồng, mẹ chuẩn bị và làm sạch các nguyên liệu khác kèm theo như rau mùi, cà chua, thịt heo ba chỉ, tôm khô, trứng gà, mắm tôm, mẻ chua, đậu phụ rán… Khi đã hoàn tất các công đoạn làm sạch cua và các nguyên liệu cần thiết, mẹ bắt đầu giã nhuyễn cua. Sau đó, cho lượng nước vừa phải, ít muối bột và nguyên liệu cua đã giã vào cái tô to để ray vài lần lấy phần nước cua. Mẹ nói cua giã khi nấu sẽ ngon hơn, thịt cua sẽ được giữ lại nhiều. Tiếp theo mẹ lấy gạch cua bỏ vào nồi nước đang đun sôi để gạch cua kết dính lại và không bị nát sau đó vớt ra tô. Một cái nồi khác mẹ phi hành tím, cà chua thêm một muỗng mắm tôm và các gia vị khác để tạo màu và mùi thơm, liền tay đổ nước lọc cua vào và đun sôi.
Trong thời gian chờ đợi nước cua sôi, mẹ tranh thủ ngâm tôm khô vào chút nước ấm cho mềm rồi đem xay nhuyễn. Cho thịt xay, trứng gà, tôm xay, hành tỏi băm nhỏ và ít hạt nêm rồi trộn đều. Dùng thìa múc từng phần nhỏ hỗn hợp vừa trộn cho vào nồi nước riêu đang sôi. Chả chín nổi lên mặt nước thì cho đậu phụ rán, gạch cua đã chín vào. Khi nào gần ăn, cho giấm bỗng và tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi gia đình.
Xong mọi công đoạn chế biến nước lèo riêu cua, chỉ còn cho rau sống, bún tươi vào tô và chan nước lèo, rắc thêm ít hành tím khô đã phi dầu, tiêu bột lên trên mặt tô bún nóng hổi và bắt đầu thưởng thức rất tuyệt vời. Với tôi, món ngon của mẹ theo suốt nỗi nhớ, trở trời lại dậy lên ngập tràn ký ức…