Đan ghe vượt lũ

DUY THÁI 14/10/2014 08:26

Mùa mưa lũ đang bắt đầu, người dân huyện Nông Sơn đang tự tay đan mới, mua sắm những chiếc ghe nan để làm phương tiện chủ động ứng phó với bão lụt.

Cuối tháng 9 âm lịch, khi những cơn mưa bắt đầu kéo dài và nặng hạt, gia đình ông Phạm Ước (thôn Cẩm La, xã Quế Lâm) gấp rút đan chiếc ghe nan để làm phương tiện đi lại mùa mưa bão. Theo ông Ước, để làm chiếc ghe dài 5m cần khoảng 11 gốc tre và đan trong vòng 12 ngày. Bây giờ con cháu lại không ai biết đan ghe nên ông phải nhờ người bạn già ở xóm cùng làm. Ông hóm hỉnh: “Sống trên núi nhưng phải bắt buộc đan ghe để đi lại, ai nghe cũng tưởng làm chuyện ngược đời. Thế nhưng cứ khoảng 5 năm tôi lại đan 1 chiếc ghe mới để cùng gia đình vượt sông mùa lũ”. Không chỉ gia đình ông Ước mà 4 hộ dân khác do sống ở nơi cách trở nên đều dựa vào chiếc ghe nan này mới có thể chở xe máy qua sông, ra ngoài làm việc hay mua sắm thực phẩm khi mùa mưa ập đến.

Người dân huyện Nông Sơn đan ghe để đi lại trong mùa mưa bão. ảnh: D.THÁI
Người dân huyện Nông Sơn đan ghe để đi lại trong mùa mưa bão. ảnh: D.THÁI

Nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, huyện Nông Sơn thường xuyên hứng chịu ngập úng. Những trận lũ lụt lớn vào mùa mưa cũng khiến huyện miền núi này bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày. Chẳng hạn cơn bão số 11 năm 2013, rất nhiều người dân đã phải dùng ghe để sơ tán đến những nơi tránh trú bão an toàn. Do đó người dân sống ở vùng thấp hầu như ai cũng thủ sẵn chiếc ghe trên gác nhà. Ông Nguyễn Văn Ngọc (62 tuổi, xã Quế Trung) cho biết, chiếc ghe cũ của nhà ông lâu năm nên bị mục nát, mới đây ông đã mua 1 chiếc ghe mới dài 4,5m có giá 2,2 triệu đồng để đi lại trong mùa mưa lũ sắp tới. Ông nói: “Những thập niên 90, người dân ở đây chủ yếu dùng ghe để đi lại, người ta vào rừng chở củi, lúa thóc về nhà hoặc chở nông sản đi bán đều nhờ loại phương tiện này. Nay, ghe chỉ thường dùng vào mùa mưa lũ để đi vào thăm nương rẫy, bảo vệ và chăm sóc đàn trâu bò trong núi, nhưng nó vẫn là vật dụng thiết yếu đối với chúng tôi”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nông Sơn chỉ còn duy nhất ông Đỗ Thế Bốn (48 tuổi) ở thôn Xuân Hòa, xã Phước Ninh làm nghề đan ghe nan để bán. Ông Bốn cho hay, từ năm 18 tuổi ông đã biết đan ghe nhờ người cha chỉ dạy và giữ nghề cho đến hiện nay. Trước đây, thôn Xuân Hòa cũng có vài người làm nghề đan ghe nhưng phải bỏ nghề vì ghe không bán được. Để đan được một chiếc ghe không phải là chuyện dễ dàng, những gốc tre được chọn phải là tre già nhưng dẻo, có khi cả chục gốc tre vừa chẻ ra phải bỏ đi vì không đạt yêu cầu. Khâu chẻ nan và vót được trau chút cẩn thận, sau đó nan được đan theo kiểu hình thoi và kẹp nan đôi để bền chắc. Khi công đoạn đan hoàn tất, vĩ nan sẽ được đưa vào khung cọc đóng sẵn theo hình chiếc ghe rồi áp dầm, dùng dây thép hoặc mây siết chặt 2 thanh gỗ kiềng kiềng để làm be ghe, cuối cùng mới trét dầu rái. “Trước năm 1998 gia đình tôi bán mỗi năm gần 20 chiếc, nhưng gần đây khi người dân đặt ghe thì tôi mới làm và chủ yếu là loại ghe nhỏ 4,5m. Năm ngoái tôi bán được 6 chiếc với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng/chiếc, trong đó chi phí cho tre, gỗ tầm giá 800 nghìn đồng, tiền dầu rái là 300 nghìn đồng. Nghề đan ghe bây giờ không còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể nhưng nó vẫn còn là nghề hữu ích với người dân huyện Nông Sơn” - ông Bốn tâm sự.

DUY THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đan ghe vượt lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO