Dân lại vây Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân đòi nợ

Tin, ảnh: VÕ LÊ 18/03/2014 10:31

Hôm qua 17.3, gần 100 người dân, tiểu thương trên địa bàn huyện Đại Lộc và tỉnh Kon Tum tiếp tục đến trước cổng Nhà máy Cồn ethanol, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc để đòi nợ (ảnh).

Tại hiện trường, nhiều người dân đã dùng tấm băng rôn với các dòng chữ: “Yêu cầu nhà máy trả nợ công nhân, nông dân trồng sắn”, “Không được phát mãi tài sản nhà máy cồn để ngân hàng BIDV thu nợ”...

Lần này, người dân không đập phá nhà máy mà đứng ngoài cổng, treo võng trên các cây cối chung quanh nằm chờ đòi nhà máy phải có cách giải quyết các khoản nợ. Bà Phạm Thị Ngọc Thanh (58 tuổi, số 8, Lê Hồng Phong, tỉnh Kon Tum), cho biết Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân nợ bà 6,2 tỷ đồng. Bà là thương lái, mua sắn của các hộ dân ở tỉnh Kon Tum để nhập lại cho nhà máy. Đến nay, đã hơn 26 tháng mà nhà máy vẫn chưa giải quyết khoản nợ trên. “Tôi vay ngân hàng để mua sắn bán lại cho nhà máy nhưng chưa lấy được tiền, nên mỗi tháng phải trả lãi cho ngân hàng. Ngoài ra, người dân nhập sắn cho mình giờ cứ liên tục vây nhà tôi để đòi nợ”. Bà I Nhíp (47 tuổi, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum) cho biết, gia đình bà bán sắn cho nhà máy cồn với số tiền gần 80 triệu đồng nhưng đã hai năm nay nhà máy không chịu trả. Còn bà Mai Thị Nguyệt (63 tuổi), xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc cho biết, con bà là Mai Văn Chì (33 tuổi), đầu bếp của nhà máy, trước đây nhận phần mua gạo, thịt cá nấu ăn cho công nhân, giờ nhà máy không chịu giải quyết, người dân vây đòi nợ nên anh Chì phải bỏ trốn.

Theo bà Thanh, lý do hôm nay vây nhà máy tại vì nghe tin phát mãi tài sản nhà máy thanh toán cho BIDV. Hiện giờ, chủ nợ của nhà máy ít nhất là 400 - 500 triệu đồng, nhiều nhất hơn 6 tỷ đồng. “Nguyện vọng của chúng tôi là đề nghị chính quyền các cấp từ địa phương đến Trung ương, Chính phủ phải có biện pháp gì cứu nhà máy, để nhà máy hoạt động trở lại, xoay xở để có tiền trả nợ. Người trồng sắn chúng tôi đã khổ quá rồi!” - bà Thanh nói.

Trước đó, ngày 26.2, có 20 người là tiểu thương tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam cầu cứu về việc Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân (Đại Lộc) nợ tiền của họ. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã làm việc trực tiếp với các tiểu thương. Ông Thanh cho biết, từ khi vụ việc xảy ra đến nay, UBND tỉnh đã có 8 văn bản, tờ trình gửi Chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc. Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17.1, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng xem xét gỡ bỏ khó khăn và tái cơ cấu cho Công ty CP Đồng Xanh sớm khôi phục sản xuất. Ngày 29.1, Văn phòng Chính phủ có công văn phúc đáp cho biết đã đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo xử lý theo quy định. Làm việc với các tiểu thương hôm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “Sau khi nhận được văn bản, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài chính đăng ký làm việc với Bộ Tài chính để nhanh chóng xử lý vụ việc. UBND tỉnh Quảng Nam rất có trách nhiệm trong vụ việc này và hứa sẽ làm tất cả để các công nhân và chủ nợ đều nhận được tiền”.

Tin, ảnh: VÕ LÊ

  • Giải quyết vụ vỡ nợ tại Nhà máy Cồn ethanol
  • Vụ nhà máy Cồn ethanol vỡ nợ: Phải ưu tiên trả nợ cho nông dân
  • Vụ Nhà máy Cồn ethanol vỡ nợ: 21 chủ nợ cầu cứu chính quyền


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân lại vây Nhà máy Cồn ethanol Đại Tân đòi nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO