Đan lồng lưới lúc nông nhàn

PHƯƠNG NAM 24/12/2015 09:23

Nghề đan lồng lưới xuất hiện khoảng 5 năm gần đây, chỉ cần học nghề một tuần, nhiều người có thể đan lồng lưới để có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc, ở nhiều xã như Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Minh, Đại Cường… đều có người làm nghề đan lồng lưới. Anh Lê Văn Nhân (SN 1971, trú thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp) cho biết, anh nhận gia công lồng lưới cho Công ty Sasaki Shoko (thuộc KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) để xuất khẩu. Ban đầu, anh chỉ nhận gia công vài chiếc, về sau, anh nhận ngày càng nhiều hơn. Nhiều người hàng xóm thấy công việc đan lồng lưới nhẹ nhàng mà thu nhập khá nên cũng học nghề và nhận nguyên liệu về làm. Mỗi tuần 2 lần, công ty chở nguyên liệu đến nhà anh Nhân, người dân xung quanh đến nhận lại đem về gia công. Khoảng 3 - 4 ngày sau, mọi người lại tập kết thành phẩm tại nhà anh Nhân để công ty đến nhận hàng và giao thêm nguyên liệu mới.

Anh Lê Văn Nhân đang hướng dẫn người dân đan lồng lưới. ảnh: Phương Nam
Anh Lê Văn Nhân đang hướng dẫn người dân đan lồng lưới. ảnh: Phương Nam

Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu (SN 1971, trú thôn Đông Phú) chia sẻ, chị là giáo viên tiểu học, lương chỉ ở mức trung bình nên chi tiêu khá chật vật. Cách đây 4 năm, chị nhận thêm việc đan lồng lưới ở nhà sau những giờ lên lớp. Nhờ tranh thủ thời gian nên thu nhập từ nghề đan lồng lưới đã giúp kinh tế gia đình chị cải thiện đáng kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lồng lưới được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang Nhật Bản và dùng để nuôi trai lấy ngọc hoặc nuôi một số thủy sản khác. Lồng lưới có nhiều loại với tên gọi khác nhau như: Lan-tan, Ma-rư, Tu-kin, Ko-pan… Trung bình mỗi ngày, một thợ lành nghề có thể đan được 3 - 4 chiếc. Tiền công cho mỗi sản phẩm hoàn chỉnh 50 - 100 nghìn đồng.

Thời gian đầu, số hộ dân làm nghề đan lồng lưới không nhiều. Về sau, thấy công việc dễ làm, có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi lại cho thu nhập ổn định nên càng ngày càng có nhiều người tham gia. Riêng xã Đại Hiệp hiện có hơn 50 người làm nghề gia công lồng lưới. Do đây là công việc làm tại nhà, không bó buộc thời gian nên người dân có thể chủ động sắp xếp. Công việc tương đối dễ, các cụ già, học sinh trung học đều có thể làm. Nhiều gia đình có đến 3 - 4 người đan lồng lưới. Buổi tối, mọi người bày biện nguyên liệu ra vừa làm việc, vừa xem truyền hình và trò chuyện với nhau làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng. Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1966, thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp) chia sẻ: “Tôi có con nhỏ đi học, lại thêm mấy sào lúa và đàn heo, công việc có nhiều lúc rảnh rỗi nhưng không thể đi làm công nhân. Vì vậy, từ 4 năm nay tôi chọn nghề đan lồng lưới để tận dụng thời gian. Mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập từ việc làm thêm này hơn 3 triệu đồng”.

Đối với nhà nông hoặc những người không có nghề nghiệp ổn định, nghề đan lồng lưới được xem là “cứu cánh” để cải thiện công việc. Thu nhập từ nghề này tuy không cao nhưng ổn định, dễ làm, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhiều gia đình.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đan lồng lưới lúc nông nhàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO