Mặc dù tuyển Mỹ chưa bao giờ vắng mặt ở bất kỳ mùa World Cup nào, thậm chí đội bóng nước này ngày càng tiến sâu vào vòng trong sau mỗi mùa bóng nhưng bóng đá vẫn chưa trở thành môn thể thao được người Mỹ chú ý.
Một khảo sát do nhật báo Wall Street Journal, kênh truyền hình NBC và tổ chức Annenberg phối hợp thực hiện cho thấy, có đến 40% người Mỹ “hoàn toàn không quan tâm” đến World Cup, trong khi chỉ 22% xem đó là sự kiện “đáng chú ý” và 38% có chút chú ý đến các trận đấu kéo dài một tháng ở Brazil. Những ngày đầu của World Cup 2014, không khí say mê bóng đá ở Mỹ cũng được hâm nóng hơn so với những lần trước, cao hơn cả World Cup 1994 tổ chức tại Mỹ. Tuy nhiên, mức độ nhiệt tình với bóng đá của người Mỹ còn thấp so với giải bóng cà-na SuperBowl hay giải bóng chày World Series hằng năm ở đây. Còn theo Nielsen, tổ chức kiểm chứng số khán giả truyền hình, sau khi tuyển Mỹ từ giã World Cup 2014 tại Brazil trước Bỉ với tỷ số 2-1, con số khán giả xem truyền hình chương trình trực tiếp bóng đá gần như giảm 90%.
Cổ động viên Mỹ ở World Cup Brazil 2014. Ảnh: Internet |
Trong “nhóm tử thần”, đội Mỹ đã sống sót qua những trận đầu tiên nên tinh thần bóng đá của người Mỹ có lên cao đôi chút. Trận Mỹ gặp Bỉ hôm đầu tháng Bảy có 21,6 triệu người Mỹ xem, đông thứ nhì trong lịch sử bóng đá Hoa Kỳ. Trước đó, trận Mỹ - Bồ Đào Nha, với kết quả hòa 2-2, có đông người Mỹ xem nhất, với 24,7 triệu người, nhưng là con số khiêm nhường so với hơn một trăm triệu người xem trận vô địch SuperBowl mỗi năm. Và lý do khiến số lượng khán giả truyền hình Mỹ trong 2 trận này tăng cao có thể là do Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cả trăm viên chức nhà nước xem trực tuyến truyền hình ủng hộ đội nhà. Từ New York, Chicago sang San Francisco, Los Angeles, San Jose là những nơi có đông người gốc Đức, Ba Lan hay Mỹ La-tinh sinh sống nên có màn hình lớn dựng trong sân vận động và ngoài quảng trường để cổ động viên theo dõi các trận đấu của đội tuyển Mỹ.
Một thăm dò khác của YouGov cho thấy 26% người da trắng, 33% da đen và 47% gốc Hispanic có theo dõi sát hoặc rất sát những trận đấu. Có người Mỹ cho rằng môn thể thao này không sôi động, xem rất chán vì chậm và nhiều trận chẳng có điểm nào. Thắng vì những trái phạt đền chỉ là may mắn. Nhưng bóng chày cũng chậm như thế nhưng với người Mỹ, bóng chày là số 1. World Cup có thể xem như hệ thống đo lường thập phân cả thế giới đang dùng, trừ Mỹ, dù nước Mỹ đã có những luật lệ khuyến khích chuyển đổi qua hệ thống này cho hòa nhịp với thế giới. Người Mỹ đã phát minh ra mạng xã hội facebook, twitter để có thể đưa thông tin và hình ảnh đến với hàng chục triệu người ở khắp nơi trên thế giới trong vài giây. Nhưng đem bóng đá gần lại hơn với người dân Mỹ còn là điều xa vời.
L.XUYÊN (theo CNN)