Dán nhãn sinh thái cua đá Cù Lao Chàm

VĂN SANH 27/06/2018 12:15

Mô hình bảo tồn và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm (CLC) những năm qua là niềm tự hào của người dân xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) được nhiều nơi trong cả nước tham quan, học hỏi.

Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển đa dạng về môi trường và cảnh quan biển. Đặc biệt, nơi đây có loài cua đá CLC (tên khoa học là Gecarcoidea) là động vật biển nhưng lại sống ở trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản. Cua đá CLC chính là “cầu nối” giữa biển và rừng, đồng thời là sinh vật kết nối của 2 hệ sinh thái biển và rừng tại khu bảo tồn biển này. Đây cũng là một trong những tài nguyên quan trọng, gắn liền với cuộc sống và nguồn sinh kế hàng ngày của người dân địa phương. Tuy nhiên, trước làn sóng ồ ạt của du khách đến đảo và sự gia tăng khai thác quá mức, cua đá CLC đã và đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Năm 2010, phối hợp với Chương trình GEF SGP (Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam) và TP.Hội An, Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá CLC” nhằm bảo tồn, quản lý và sử dụng loài cua đá này được bền vững.

Mô hình cộng đồng tham gia quản lý cua đá CLC đã và đang thực hiện một cách hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Trong 3 năm (2013-2015) đi vào hoạt động, sáng kiến đã hỗ trợ cho cộng đồng bảo tồn hơn 75% số lượng cua đá CLC, thu nhập của người dân khai thác (sau khi trừ đi lệ phí khai thác) vẫn tăng cao. Khách du lịch cũng thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức đặc sản biển - rừng độc đáo này.

Năm 2014, Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững cua đá CLC của Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã tiếp nhận sự tài trợ tiếp theo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN, trực tiếp là Chương trình MFF (Rừng ngập mặn cho tương lai) đã tiếp tục gắn kết “4 nhà”: Quản lý, doanh nghiệp, khoa học - bảo tồn và người dân trên cơ sở trách nhiệm và lợi ích nhằm tăng cường năng lực cho Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững hơn tài nguyên cua đá này. Các mục tiêu cụ thể của dự án đã đạt được là: Phục hồi sinh thái cua đá CLC; Khai thác và quản lý bảo vệ bền vững cua đá CLC; Nghiên cứu thu thập thông tin làm rõ đặc điểm sinh học, sinh thái của chủng loại cua đá CLC; Xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi tự nhiên dựa trên cơ sở đồng quản lý.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về cua đá và mô hình bảo tồn, khai thác bền vững cua đá CLC được xây dựng, nhiều luận văn tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học trên cả nước đã được bảo vệ thành công đã đóng góp kết quả thiết thực cho mô hình này ngày càng phát triển. Hiện nay, cùng với các mô hình phân loại rác tại nguồn; nói không với túi ni lông; mô hình dán nhãn sinh thái cua đá CLC không chỉ là niềm tự hào của địa phương, khu vực và thế giới trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

VĂN SANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dán nhãn sinh thái cua đá Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO