(QNO) - Những năm gần đây, các đội dân phòng ngày càng chứng tỏ được vai trò đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Và mặc dù có những đóng góp rất lớn trong công tác abro vệ bình yên thôn xóm nhưng đến nay lực lượng dân phòng vẫn chịu nhiều thiếu thốn và chưa có một chế độ chính sách cụ thể nào hỗ trợ.
Đảm bảo an ninh
Hương An (Quế Sơn) là xã làm tốt công tác thành lập đội dân phòng tại các thôn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Năm 2013, có 8/8 thôn hoàn thành xây dựng đội dân phòng với 80 thành viên. Ông Phạm Tuấn Dũng – Trưởng công an xã Hương An khẳng định: “Trước đây tình hình về an ninh trật tự ở địa phương rất phức tạp nhưng từ khi thành lập các đội dân phòng thì an ninh rất đảm bảo, tình trạng trộm cắp, đánh nhau được khắc phục, đời sống người dân ổn định hơn”. Hiện tại, mỗi thôn đều có chốt dân phòng, nếu có vụ việc sai phạm người dân gọi dân phòng đến ngay để giải quyết. Và chỉ khi gặp khó khăn trong xử lý sai phạm thì mới gọi công an xã hỗ trợ. Ông Dũng nói: “Hương An có được bộ mặt như ngày hôm nay nhờ sự đóng góp rất lớn của các đội dân phòng. Chỉ riêng năm 2015, các đội dân phòng đã phối hợp với lực lượng công an phá được một vụ ma túy và một số vụ đánh bạc trên địa bàn”.
Lực lượng dân phòng vẫn còn gặp nhiều thiếu thốn về công cụ hỗ trợ và kinh phí hoạt động. (Trong ảnh: Đội dân phòng thôn 8 xã Hương An). (ẢNH: Đ.ĐẠO) |
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Công an viên, Đội trưởng đội dân phòng thôn 8, xã Hương An, khẳng định dân phòng rất cơ động, sát cơ sở, bất kể ngày đêm, khi có vụ việc khẩn cấp là họ có mặt kịp thời. Theo Ông Tùng để làm tốt được điều này thì đội đã thiết lập một đường dây nóng, cung cấp số điện thoại cho người dân nắm rõ khi vụ việc gì sai phạm dân gọi thì đội đến kịp thời. Đồng thời đội cũng phát động phong trào tiếng kẻng, tiếng loa an ninh với phương châm “đèn ngoài ngõ, mỏ trong nhà”. Chính vì vậy nên từ khi thành lập cho đến nay đội đã phối hợp với công an xã xử lý hơn 70 vụ gây rối, đánh nhau, nhiều ổ đánh bạc với qui mô lớn và nhiều vụ trộm cắp phức tạp.
Điển hình là vụ đánh nhau tại vũ trường Sông Thương, ông Tùng nhớ lại: “Vào khoảng tháng 7.2013, xảy ra vụ đánh nhau giữa thanh niên thôn 8 và thanh niên xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) với khoảng 20 người tham gia, có hung khí là mã tấu, kiếm. Thấy tình hình rất nguy hiểm chúng tôi một mặt gọi công an xã, một mặt anh em trong đội dũng cảm tìm cách tước hung khí của các bên”. Không chỉ đảm bảo an toàn tại địa bàn mà đội cũng phối hợp với công an xã bạn giải quyết nhiều vụ việc. Cụ thể, năm 2014 đội cũng đã phối hợp với công an xã và công an tỉnh triệt phá đường dây trộm cắp xe máy tại Thăng Bình. Hai đối tượng nghiện ma túy và liều lĩnh, sau khi trộm xe ở Bình Đào (Thăng Bình) bị công an Thăng Bình truy đuổi chạy đến Hương An. Tại đây dân phòng thôn 8 đã phối hợp với công an lùng soát và tóm gọn 2 đối tượng.
Thiếu công cụ hỗ trợ
Được biết, nguồn kinh phí của các đội dân phòng chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của dân và xã hội hóa là chủ yếu. Công cụ xã Hương An hỗ trợ cho đội dân phòng là gậy cao su được cấp 40 cây/đội (trong đó 2 gậy điện cho hai thôn trọng điểm là thôn 5 và thôn 8). Còn đồng phục, đèn pin, mũ bảo hộ, áo mưa thì các thôn phải tự lo. Và mặc dù phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm nhưng đến nay các đội dân phòng vẫn chưa được hưởng chế độ nào. Chính vậy, công an xã Hương An đã xin công an tỉnh Quảng Nam kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn cho các thành viên trong đội dân phòng. Đồng thời, người dân trong thôn cũng đóng góp để mua bảo hiểm y tế cho các thành viên các đội dân phòng. Ông Phạm Tuấn Dũng, đề xuất: “Mong cấp trên phụ cấp nguồn kinh phí giúp anh em trong đội yên tâm công tác. Trang bị thêm những công cụ hỗ trợ, bảo vệ để đảm bảo an toàn cho các dân phòng. Đồng thời, công an huyện nên tổ chức hiều hơn về hướng dẫn nghiệp vụ như bảo vệ hiện trường, sơ cứu, phòng cháy chữa cháy…”.
Cũng như Hương An, xã Tam Xuân 1 ( Núi Thành) là một xã cũng có mô hình đội dân phòng hiệu quả nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Toàn xã hiện có 8/11 thôn có đội dân phòng với 81 thành viên. Mặc dù làm việc phải đối mặt với nguy hiểm nhưng trang bị cho các đội dân phòng còn hết sức thô sơ. Ông Hồ Quế - Đội trưởng đội dân phòng thôn Bích An (Tam Xuân 1), cho biết : “Hiện tại chúng tôi đi tuần vẫn chưa có đồng phục. Còn đi tuần xong thì tự bỏ tiền túi ra ăn khuya chứ bà con còn khó khăn chưa thể hỗ trợ mình được”. Ông Quế tha thiết: “Làm thế nào để đội dân phòng có đồng phục, có dụng cụ hỗ trợ đi tuần cho đảm bảo và đội có nguồn kinh phí để hoạt động”.
Theo ông Nguyễn Đình Kiên - Trưởng công an xã Tam Xuân 1, công cụ hỗ trợ chủ yếu cho các đội dân phòng là 2 gậy cao su/đội nhưng vẫn chưa đủ. Và hiện tại vẫn còn hai đội chưa có đồng phục là thôn Bích An và thôn Phú Tân. Kinh phí của đội chủ yếu xin từ dân nhưng đời sống người dân còn rất khó khăn nên đội chủ yếu tự thân vận động. Trò chuyện với chúng tôi ông Nguyễn Đình Kiên cho biết: “ Từ khi có đội dân phòng tình hình an ninh ở địa phương được cải thiện rõ rệt, dân phòng đã chỉ điểm, báo tin tố giác tội phạm, phối hợp tuần tra đêm với công an xã và xử lý hàng chục vụ đánh nhau, trộm cắp tại địa bàn”. Cũng theo ông Kiên đội dân phòng làm việc hiệu quả nhưng còn quá thiều thiệt thòi, các dân phòng chỉ có duy nhất là hỗ trợ bảo hiểm tai nạn cho các đội dân phòng.
Có thể thấy rằng, hoạt động của đội dân phòng đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại các địa phương, giúp cuộc sống người dân được bình yên hơn. Họ là những người dân tự nguyện tham gia vì lợi ích cộng đồng nhưng sự đóng góp của họ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
ĐOÀN ĐẠO