Hơn 2 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Cùng với các ngành chức năng, lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương với vai trò nòng cốt đã tích cực tham gia phòng chống, ngăn ngừa dịch lây lan.
Tại xã Tam Phú, ngay khi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên, địa phương đã huy động lực lượng triển khai các phương án khoanh vùng có dịch, tiến hành tiêu hủy heo bệnh, chốt chặn, hạn chế phương tiện giao thông, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Trong đó, lượng dân quân được huy động tối đa để thực hiện công tác này.
Hơn 2 tháng qua, hầu như ngày nào anh Nguyễn Thanh Tâm – dân quân cơ động xã Tam Phú cũng tham gia cùng với anh em dân quân địa phương xuống các thôn để thu gom heo chết. Mặc dù thời tiết nắng nóng, số heo chết lại nhiều nhưng anh Tâm vẫn tham gia thường xuyên bất kể ngày nghỉ hay ban đêm. Anh chia sẻ: “Bản thân là dân quân tự vệ địa phương, tôi ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ người dân phòng ngừa dịch lây lan, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn”.
Hiện nay, DTLCP đã lan rộng 7/7 thôn trên địa bàn xã Tam Phú, trung bình mỗi ngày lượng heo tiêu hủy từ 1.500 – 2.000kg. Đặc biệt, là địa bàn có nhiều hộ chăn nuôi heo tập trung với số lượng lớn nên khi có dịch, việc tiêu hủy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của lực lượng dân quân thì người dân địa phương rất yên tâm.
Ông Trịnh Ngọc Phước (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú) là một trong những hộ dân có heo chết do DTLCP, cho biết: “Nhà tôi có nuôi 6 con heo mắc bệnh chết trong đêm không biết phải xử lý ra sao, nhưng may có các anh dân quân xã đến vận chuyển heo đi tiêu hủy và phun thuốc khử trùng chuồng trại. Tôi rất vui mừng và cảm kích trước sự hỗ trợ nhiệt tình của lực lượng dân quân địa phương”.
Tính đến ngày 13.8, toàn TP.Tam Kỳ có 10/13 xã phường xảy ra DTLCP với 401 hộ bị ảnh hưởng. Đã có 2.337 con heo bị tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 129 tấn. Hiện nay DTLCP chưa có văc xin điều trị nên chỉ có thể thực hiện đảm bảo quy trình tiêu hủy, xử lý ổ dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng ngừa lây lan. Để đảm bảo nhân lực thực hiện công tác này, ban chỉ huy quân sự các xã, phường đã huy động tối đa lực lượng dân quân cùng tham gia phòng chống dịch.
Ông Phạm Ngọc Hiếu - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tam Thăng cho biết: “Bên cạnh hỗ trợ vận chuyển heo chết đến các hố tiêu hủy tập trung, lực lượng dân quân địa phương còn tham gia phun thuốc khử trùng các phương tiện lưu thông qua địa bàn và trực tiếp chốt chặn tại các điểm có dịch, ngăn ngừa việc vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp “5 không” trong phòng, chống dịch”.