(QNO) - Tính đến ngày đầu tiên của năm 2025, dân số thế giới đạt mốc 8,09 tỷ người.
Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất hành tinh
Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, dân số toàn cầu vào ngày 1/1/2025 đạt mốc 8,09 tỷ người - đánh dấu mức tăng hơn 71 triệu người so với năm trước, tăng 0,9% nhưng giảm nhẹ so với mức tăng 75 triệu ghi nhận vào năm 2023.
Dân số tại Mỹ tăng khoảng 2,6 triệu người vào năm 2024 để đạt 341 triệu người - tăng 2,9% kể từ đầu những năm 2020. Kết hợp sinh, tử và di cư quốc tế ròng, dân số tại Mỹ sẽ tăng thêm một người sau mỗi 21,2 giây.
Trong những năm 2010, dân số Mỹ tăng 7,4% - mức thấp nhất kể từ những năm 1930, theo báo cáo của New York Post. Xu hướng dân số giảm sẽ tiếp tục do tỷ lệ sinh giảm và thay đổi trong mô hình nhập cư.
Ấn Độ vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2024, dân số ước tính của Ấn Độ đạt gần 1,41 tỷ người, cao hơn Trung Quốc khoảng 200 triệu người. Mỹ duy trì là quốc gia đông dân thứ ba thế giới.
Trên toàn cầu, tăng trưởng dân số đặc biệt mạnh ở châu Phi, có thể tăng từ 1,2 tỷ lên 3,4 tỷ người vào cuối thế kỷ 21 do tỷ lệ sinh cao hơn và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại khu vực.
Tỷ lệ sinh trên toàn cầu giảm
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu nói chung đang chậm lại. Tỷ lệ sinh trung bình toàn cầu hiện là 2,2 trẻ em trên một phụ nữ, giảm so với những thập kỷ trước, theo báo cáo của tờ El Universal (Venezuela).
El Universal nhận định, vai trò của phụ nữ trong kế hoạch hóa gia đình như yếu tố chốt trong sự thay đổi nhân khẩu học: "Khi phụ nữ có quyền bình đẳng, cơ hội tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, độc lập về kinh tế.... thì quy mô gia đình cũng tự động giảm đi".
Các nhà nghiên cứu tin rằng nhờ tiếp cận được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và năng lượng sạch tốt hơn, dân số toàn cầu sẽ giảm xuống còn khoảng 6 tỷ người vào năm 2100.
Hiện nay, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đối mặt tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới khi tỷ lệ sinh liên tục giảm trong nhiều năm qua, buộc chính phủ các nước kêu này gọi và khuyến khích người dân tăng tỷ lệ sinh trong khi tăng cường lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước.
Như vậy, chỉ mất 12 năm để dân số thế giới tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người, mang lại những thách thức và cơ hội về mặt nhân khẩu học mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt.
Liên hiệp quốc dự đoán dân số thế giới có thể vượt quá 9 tỷ người vào năm 2037. Dù vẫn tiếp tục tăng, tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại và dự kiến dân số toàn cầu sẽ bắt đầu giảm vào nửa sau của thế kỷ 21 do tỷ lệ sinh thấp hơn và dân số già đi.