(QNO) - Trong vòng 30 năm tới, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2 tỷ người. Nhiều quốc gia đối mặt với các thách thức, cả khi dân số tăng nhanh hay giảm mạnh.
Ngày 17.6, Liên hiệp quốc công bố tình trạng dân số thế giới vào năm 2050. Mặc dù dân số thế giới đang già đi và tăng trưởng chậm hơn, thế giới sẽ có 9,7 tỷ người sống trên trái đất vào năm 2050, tăng từ 7,7 tỷ người hiện nay. Đến cuối thế kỷ này, dân số thế giới đạt hơn 11 tỷ người. Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh vào khoảng năm 2027.
Nhiều quốc gia tiếp tục chứng kiến quy mô dân số giảm do một số nguyên nhân như tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ di cư cao. Từ nay đến năm 2050, có đến 55 quốc gia sẽ chứng kiến quy mô dân số giảm 1 - 10%. Trong giai đoạn 2010 - 2020, 14 quốc gia hoặc khu vực tiếp nhận hơn 1 triệu di dân, trong khi 10 quốc gia khác sẽ mất đi con số tương tự.
Tuy nhiên, việc dân số liên tục giảm, gia tăng già hóa dân số khiến nhiều quốc gia đối mặt các cuộc khủng hoảng như thiếu hụt lực lượng lao động. Ngược lại, Liu Zhenmin - Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên hiệp quốc cho hay, các quốc gia nghèo nhất lại nằm trong danh sách các quốc gia có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất.
Điều này gây ra những thách thức vô cùng lớn mà các quốc gia này phải đối mặt như trong xóa đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện y tế và giáo dục. Do đó, báo cáo của Liên hiệp quốc cũng đưa ra một lộ trình về mục tiêu hành động và can thiệp để giúp các quốc gia vượt qua thách thức về dân số, như đầu tư hơn nữa vào giáo dục, y tế.
Ngoài ra, đến năm 2050, 1/4 dân số ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ và số người cao tuổi cao hơn dự kiến sẽ gây áp lực tài chính gia tăng cho các quốc gia trong những thập kỷ tới, với chi phí cao hơn cho sức khỏe cộng đồng, lương hưu và hệ thống bảo vệ xã hội.
Mặc dù tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng (từ 64,2 năm 1990 lên 77,1 năm 2050), tuổi thọ ở các nước nghèo sẽ tiếp tục tụt lại phía sau. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của một em bé được sinh ra ở một trong những quốc gia kém phát triển nhất sẽ ngắn hơn 7,4 năm so với một đứa trẻ được sinh ra ở một quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do tỷ lệ tử vong ở trẻ em và bà mẹ cao, bạo lực và tác động liên tục của dịch HIV.
Dân số ngày càng đông, các nhà khoa học cũng cảnh báo về tình trạng suy kiệt nhanh của tài nguyên thiên nhiên, gia tăng phát thải nhà kính và chịu tác động lớn hơn từ biển đổi khí hậu.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, việc trái đất gồng mình gánh 10 tỷ người là quá tải, liệu nó có đủ nuôi hết 10 tỷ người dân hay không, chuyên gia Gilles Pison thuộc Viên Nghiên cứu dân số quốc gia Pháp lại cho rằng, chính cách sống của con người mới là điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của hành tinh. Như việc chúng ta tiêu thụ ít và tránh lãng phí là những phương cách bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu nhất.