Dân vận chính quyền: Chuyển từ quản lý sang phục vụ

VINH ANH 14/10/2016 08:53

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp đã có nhiều giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét về công tác dân vận của chính quyền.

Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận của chính quyền càng được chú trọng, khi ngày 16.5.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Đặc biệt, việc tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã góp phần thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh năm 2016 và những năm tiếp theo. Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan cho rằng, công tác dân vận của chính quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết, ảnh hưởng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bởi, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chức năng tổ chức, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động quản lý, điều hành công việc hàng ngày của chính quyền đều liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. “Nếu không làm tốt công tác dân vận của chính quyền, sẽ khó bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ” - bà Nguyễn Thị Thu Lan nói.

Lãnh đạo tỉnh đối thoại với thanh niên về vấn đề việc làm, đào tạo nghề. Ảnh: VĂN HÀO
Lãnh đạo tỉnh đối thoại với thanh niên về vấn đề việc làm, đào tạo nghề. Ảnh: VĂN HÀO

Hiệu quả rõ nhất trong công tác dân vận của chính quyền là việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhiều thủ tục hành chính đã được quy trình hóa, phân công rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận liên quan nên các yêu cầu của tổ chức và công dân được giải quyết kịp thời, thuận lợi. Ở các mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn. Một trong những cách thức khác thể hiện vai trò dân vận của chính quyền là công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực thi nhiệm vụ này, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều bố trí cán bộ lãnh đạo tiếp công dân theo lịch cụ thể, bố trí nơi tiếp trang trọng.

Đồng thời thường xuyên đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc, nhất là trong thực hiện các chế độ chính sách, vấn đề liên quan đến đất đai, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, đã góp phần hạn chế tình trạng tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp. Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Lan nhấn mạnh: “Quan trọng là phải đổi mới mạnh mẽ tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”. Đồng thời bà Lan phân tích rằng, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước vẫn còn trường hợp tư duy theo kiểu “nhà nước quản lý nhân dân” cho nên xảy ra tình trạng cán bộ công chức quan liêu, hách dịch, cửa quyền với nhân dân. Vì vậy, cần phải xác định rõ Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên Nhà nước phải phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, công tác dân vận của chính quyền thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa thật sự hiệu quả. Trong cải cách hành chính, một số nơi thủ tục còn rườm rà, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân. Lãnh đạo chủ chốt một số ngành, địa phương chưa gương mẫu, chưa phát huy dân chủ trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; ít quan tâm sắp xếp thời gian đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời giải quyết những bức xúc ở cơ sở nên tình trạng đơn thư khiếu kiện còn nhiều. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước chưa được quan tâm nên mô hình còn ít về số lượng, hiệu quả nhiều mô hình chưa cao… Để khắc phục những tồn tại đó, bà Nguyễn Thị Thu Lan cho rằng, đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức từ suy nghĩ “công tác dân vận là trách nhiệm của ban dân vận, mặt trận, các đoàn thể” sang quan điểm “công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”. “Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, khi thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao phải gắn liền với công tác dân vận. Phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phong cách: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Đồng thời phải thực hiện tốt các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...” - bà Nguyễn Thị Thu Lan chia sẻ.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân vận chính quyền: Chuyển từ quản lý sang phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO