Dân vận hợp lòng dân

ĐOÀN ĐẠO 11/07/2014 08:51

Triển khai nhiều mô hình “dân vận khéo” phù hợp với lòng dân như xây dựng tuyến phố văn minh, thu gom rác thải, thoát nghèo từ cánh đồng mẫu lớn…, Điện Bàn đang trên đà vươn tới mục tiêu trở thành thị xã.

1. Sạch sẽ, gọn gàng là điều nhận thấy khi đi dọc tuyến phố Trần Nhân Tông ở thị trấn Vĩnh Điện. Không còn cảnh các bảng hiệu tràn ra đường, hay rác thải, nước thải vương vãi trên lòng, lề đường như trước đây. Ông Võ Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện giải thích: “Tất cả là nhờ phong trào xây dựng tuyến phố văn minh. Lúc mới phát động, tuyến phố này là cam go nhất vì đây là trục đường chính, hầu hết hộ dân đều buôn bán, dẫn đến việc lấn chiếm vỉa hè, treo biển quảng cáo tràn lan gây mất mỹ quan và an toàn giao thông. Nhưng nay, chuyện cơi nới, lấn chiếm hành lang giao thông, vứt rác thải ra đường, treo bảng quảng cáo che khuất tầm nhìn... đã giảm đến 90% so với trước thời điểm phát động xây dựng tuyến phố văn minh”.

Vĩnh Điện đã ra dáng vẻ trung tâm đô thị của một thị xã nhờ phong trào xây dựng tuyến phố văn minh. Ảnh: Đ.ĐẠO
Vĩnh Điện đã ra dáng vẻ trung tâm đô thị của một thị xã nhờ phong trào xây dựng tuyến phố văn minh. Ảnh: Đ.ĐẠO

Tháng 5.2013, thị trấn Vĩnh Điện phát động mô hình “dân vận khéo” xây dựng tuyến phố văn minh với 4 tuyến phố trọng điểm là Trần Nhân Tông, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Mẹ Thứ. Đến nay, các tuyến phố này đã đạt chuẩn 10 tiêu chí về tuyến phố văn minh do UBND thị trấn Vĩnh Điện đề ra. Song song với tổ chức họp dân, các tổ dân vận ở cơ sở đến từng nhà vận động, UBND thị trấn Vĩnh Điện đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: đưa phong trào xây dựng tuyến phố văn minh vào tiêu chí xét gia đình văn hóa, khối phố văn hóa; thành lập đội cảnh quan môi trường kết hợp với công an thị trấn, dân quân tự vệ thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Hàng tuần, Đài truyền thanh thị trấn nêu tên các trường hợp vi phạm và nêu gương các cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc xây dựng tuyến phố văn minh. Sau gần 7 tháng tích cực tuyên truyền và thực hiện quyết liệt các giải pháp, đến cuối năm 2013, các tuyến phố điểm đã đạt chuẩn tuyến phố văn minh theo bộ tiêu chí của UBND thị trấn xây dựng. “Hiện nay, 7/7 khối phố của thị trấn và tất cả tuyến phố trên địa bàn đã phát động xây dựng tuyến phố văn minh. Có thể nói phong trào này đã định hình được nếp sống văn minh của cư dân đô thị ở Vĩnh Điện” - ông Nam khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Út Mai (thôn Tân Bình 3, Điện Trung, Điện Bàn) thực hiện phân loại rác thải tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Út Mai (thôn Tân Bình 3, Điện Trung, Điện Bàn) thực hiện phân loại rác thải tại nhà.

2. Đã thành thói quen, sau mỗi buổi đi chợ về bà Nguyễn Thị Út Mai (51 tuổi, thôn Tân Bình 3, xã Điện Trung) đều phân loại rác thải bỏ vào 2 giỏ chứa rác tại nhà. “Rác nào có thể tái chế, bán phế liệu được thì bỏ riêng, còn lại bỏ vào một giỏ khác để xe thu gom đưa đến bãi trung chuyển rác của xã. Vừa giữ đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, vừa có tiền bỏ heo đất từ việc bán phế liệu” - bà Mai nói. Hằng năm, bán phế liệu từ phân loại rác thải sinh hoạt, bà Mai có thêm khoảng 200 nghìn đồng ủng hộ quỹ hội phụ nữ. Không chỉ vậy, sau 2 năm thực hiện mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường, căn nhà bà Mai luôn ngăn nắp, gọn gàng. Các con của bà Mai cũng học theo thói quen tốt của mẹ, không vứt xả rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Không riêng bà Mai, có đến 90% hội viên phụ nữ ở Điện Trung đăng ký thực hiện phong trào này. Bà Trần Thị Nha - Chủ tịch Hội LHPN xã Điện Trung cho biết: “Với phương châm “đến từng nhà, rà từng hộ” để vận động, hội phụ nữ xã đã lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức cho hội viên. Thấy được lợi ích thiết thực, chị em đều hưởng ứng tích cực. Mô hình “dân vận khéo” về thu gom, xử lý rác thải đến nay đã thực hiện ở cả 6 thôn với 90% số hộ tham gia. Gần như chúng tôi đã dứt điểm được tình trạng vứt rác bừa bãi, góp phần đạt tiêu chí môi trường của nông thôn mới”.

3. Sau thành công tại cánh đồng mẫu lớn La Hòa (xã Điện Phước), Ban Dân vận Huyện ủy Điện Bàn quyết định triển khai nhân rộng và xem đây là mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm giúp nhân dân thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Và mô hình cánh đồng mẫu lớn đã thành công ở nhiều địa phương như Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Quang. Nhìn thửa ruộng của mình lên xanh tốt, lão nông Trần Văn Tảo (70 tuổi, thôn Phú Tây, Điện Quang) tỏ ra rất hài lòng khi thực hiện mô hình “Thâm canh tổng hợp và áp dụng các dịch vụ trên cây lúa” với 5 sào lúa của gia đình. Ông bảo: “Vụ đông xuân 2013 - 2014 vừa rồi sản lượng đạt 380kg/sào, chỉ nhỉnh hơn so với canh tác theo truyền thống, nhưng điều quan trọng là khi áp dụng mô hình sản xuất mới, giảm lượng phân bón, lượng lúa giống nên chi phí cũng giảm theo, lợi nhuận cao hơn. Mỗi sào áp dụng mô hình có lãi cao hơn 100 - 200 nghìn đồng so với cách sản xuất trước đây. Vụ này tôi yên tâm tiếp tục áp dụng mô hình sản xuất mới”.

Thực ra, chuyện vận động bà con thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và áp dụng mô hình sản xuất mới ở thôn Phú Tây ban đầu không phải đơn giản. Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Tây - Trần Công Ninh, chia sẻ: “Khó lắm! Vì người dân quen với tập quán canh tác truyền thống nên áp dụng mô hình với nhiều cái mới khiến nông dân lo lắng. Cùng với cấp trên, chúng tôi tổ chức họp dân phân tích cụ thể mô hình, đồng thời lấy thành công của mô hình ở cánh đồng La Hòa xã Điện Phước làm dẫn chứng tạo niềm tin trong nhân dân. Chúng tôi còn dựa vào vai trò của tộc họ, những người có uy tín cùng vận động, tuyên truyền thành viên trong tộc hiểu được lợi ích và hưởng ứng chủ trương”. Nhờ “dân vận khéo”, trong thời gian 2 tháng, mô hình “thâm canh tổng hợp và áp dụng các dịch vụ trên cây lúa” được triển khai ở thôn Phú Tây với diện tích 20ha. Cùng lúc với thôn Phú Tây, UBND xã Điện Quang còn triển khai mô hình này tại thôn Bảo An Tây. Cả 2 mô hình này qua vụ đông xuân 2013 - 2014 đều thành công, cho vụ mùa bội thu với sản lượng đạt 75 tạ/ha so với mức 67 tạ/ha trước kia. “Để nhân dân tin vào chủ trương là đúng đắn, một mặt tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau, xã còn “xắn tay áo” vào cuộc. UBND xã hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, mua công cụ sạ hàng, máy tiêu độc khử trùng, bẫy diệt chuột với kinh phí gần 170 triệu đồng. Thấy chính quyền không nằm ngoài cuộc nên người dân an tâm làm theo. Qua vụ mùa thắng lợi, nhân dân trong xã đã hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương đúng đắn này” - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang, ông Hà Văn Minh nói.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân vận hợp lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO