Những phần việc ý nghĩa và thiết thực được lồng ghép triển khai ở miền núi thời gian qua, đã giúp nhiều thanh niên có mô hình sinh kế mới và tạo nền tảng hỗ trợ phát triển cộng đồng, góp sức cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trao sinh kế cho thanh niên
Sau thời gian thả nuôi với chuồng trại kiên cố, vợ chồng Arất Tơn (tổ Za Ra, thôn Ga Lêê, xã Tà Bhing, Nam Giang) đã xuất chuồng lứa heo đen đầu tiên ra thị trường. Số tiền bán được, vợ chồng anh quay vòng mua thêm giống heo mới, tiếp tục mở rộng mô hình heo đen địa phương.
Arất Tơn nói, mô hình sinh kế này do Huyện đoàn Nam Giang hỗ trợ, giúp vợ chồng anh có thêm cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
“Trước đây, vợ chồng tôi được Huyện đoàn nhận đỡ đầu, hỗ trợ 4 con heo đen, cùng nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại để làm ăn. Sau thời gian nuôi, heo được tái đàn nên xuất chuồng để mở rộng mô hình trong thời gian tới” - Tơn chia sẻ.
Để tập trung hỗ trợ thanh niên khó khăn vươn lên trong cuộc sống, bên cạnh nhận đỡ đầu và trao mô hình sinh kế, mới đây, từ nguồn kinh phí trao tặng của chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) - địa phương kết nghĩa với Nam Giang, hộ Arất Tơn được Huyện đoàn và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chọn xây dựng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện ổn định cuộc sống.
Đây được xem là mục tiêu “kép” nhằm hỗ trợ thanh niên khó khăn vươn lên thoát nghèo, hưởng ứng mô hình “Dân vận khéo” trong đoàn viên thanh niên được triển khai từ nhiều năm qua.
Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, Arất Tơn là một trong số 20 hộ thanh niên khó khăn được Huyện đoàn Nam Giang và các cơ sở đoàn trực thuộc nhận đỡ đầu theo hình thức trao sinh kế. Nhiều mô hình được triển khai ở cấp độ thôn, xã trở thành động lực khuyến khích thanh niên và người dân vươn lên trong cuộc sống.
“Thông qua chủ đề “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một việc làm thiết thực xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, chúng tôi triển khai nhiều công trình thanh niên hướng về cộng đồng, từ trao mô hình sinh kế, kết nối nguồn lực xây nhà tình nghĩa, bể nước sinh hoạt đến các công trình thắp sáng đường quê, góp sức xây dựng nông thôn mới” - anh Bùi Thế Anh nói.
Hướng về cộng đồng
Anh Cơlâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho hay, nhiều hoạt động giúp dân được triển khai thời gian qua, cho thấy sự hưởng ứng rất tích cực từ các cấp đoàn cơ sở với cuộc sống cộng đồng. Các hoạt động này được lồng ghép triển khai có hiệu quả, không chỉ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên thanh niên, mà còn khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
Mới đây, sau đợt ra quan hành động Tháng thanh niên 2023, hàng trăm bạn trẻ Tây Giang đã cùng nhau mở đường vào khu sản xuất Đông Văn (thôn Pơr’ning, xã Lăng) với chiều dài hơn 5km, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, lao động sản xuất. Hành trình mở đường khó khăn này có sự góp sức của cộng đồng dân cư địa phương.
“Cùng ăn, cùng ở và cùng làm, bằng hành động thiết thực mang tình đoàn kết, chỉ sau thời gian ngắn, công trình mở đường về khu sản xuất được hoàn thành” - anh Hoài tâm sự.
Tại Đông Giang, các mô hình hướng về cộng đồng được triển khai rộng khắp ở các cơ sở đoàn, từ nồi cháo chiến sĩ, bữa cơm nghĩa tình cho đến hoạt động giúp dân di dời nhà cửa, khắc phục hậu quả thiên tai…
Theo chị Nguyễn Thị Bích Liên - Bí thư Huyện đoàn Đông Giang, ngoài hưởng ứng các đợt phát động chương trình tình nguyện hè và xuân yêu thương của cấp trên, các cơ sở đoàn trực thuộc đều xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân theo từng phần việc cụ thể. Trong đó, chú trọng mô hình phát triển kinh kế, nâng cao thu nhập hộ gia đình và giúp đỡ cộng đồng khó khăn.
“Tiêu biểu như Chi đoàn Công an huyện với mô hình “Nồi cháo chiến sĩ” được triển khai suốt nhiều năm nay, giúp hàng nghìn bệnh nhân nghèo có thêm các bữa ăn ý nghĩa; hay đoàn viên thanh niên xã Kà Dăng giúp dân di dời nhà cửa khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, vận chuyển nguyên vật liệu về khu định cư mới… Tất cả là những hành động đẹp góp vào câu chuyện làm “Dân vận khéo” ở vùng cao thêm sinh động và ý nghĩa” - chị Liên thông tin.