Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Nam Giang đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, nhiều mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
La Ê là một trong 8 xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nam Giang. Với xuất phát điểm thấp, trong xã phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu và Tà Riềng sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nhận thấy mô hình “Dân vận khéo” là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã quyết liệt thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, có nghị quyết và giao cho mỗi ngành, đoàn thể phụ trách một vài mô hình.
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn trồng các cây, con giống có năng suất chất lượng cao như cam Vinh, nuôi heo đen, heo bản địa, heo rừng lai..., đồng thời tổ chức các mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ, kinh tế trang trại gia đình. Mỗi cán bộ, đảng viên là những người tiên phong trong chuyển đổi mô hình kinh tế, để người dân nhận thấy hiệu quả và tự nguyện tham gia.
Ông Đặng Đình Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Dân vận xã La Ê cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu kỹ các nội dung của phong trào “Dân vận khéo” để triển khai một cách sát thực với tình hình của địa phương. Trên cơ sở đó tổ chức các đợt phát động để các chi bộ, các khối, các ngành xây dựng nhiều mô hình, tập trung vào các mô hình kinh tế, vận động con em địa phương đi lao động ngoài huyện để nâng cao thu nhập, qua đó làm thay đổi nhận thức của nhân dân về đầu tư các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Theo bà Zơ Râm Thị Nhung - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Giang, địa phương có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên huyện lựa chọn những nội dung, phong trào phù hợp với đặc điểm của từng khu vực để phát động, nhờ đó phong trào thi đua “Dân vận khéo” mang lại kết quả tích cực.
Đến nay có gần 200 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, tiêu biểu như các phong trào vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, hiến đất mở rộng đường giao thông; các mô hình tộc họ tự quản trong xây dựng an ninh trật tự địa phương, phụ nữ thực hiện 5 không 3 sạch, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
“Để nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, Nam Giang tiếp tục động viên tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Huyện sẽ tập trung đổi mới, nhân rộng các mô hình dân vận khéo có hiệu quả. Hướng công tác dân vận vào xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...” - bà Nhung cho biết.