Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thăng Bình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quan tâm triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả.
Thời gian qua, Ban Dân vận huyện ủy Thăng Bình đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận, các ban ngành đoàn thể phát động và triển khai nhiều mô hình dân vận khéo phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các phong trào ở địa phương. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Điển hình như phong trào “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên; “Thu gom rác thải” và “Đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp” của Hội LHPN huyện đã áp dụng ở 22 địa phương; “Tiếng mõ an ninh” áp dụng ở 13/22 xã, thị trấn; mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” của Hội Cựu chiến binh đã áp dụng 15/22 xã, thị trấn.
Mấy năm trước, chỉ cần xong mùa vụ, con đường dài chưa đầy 1km tại tổ 3 (thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung) đầy bùn đất, rơm rạ rơi vãi xung quanh. Nhưng 2 năm trở lại đây, con đường này như khoác lên diện mạo mới khi hai bên cây xanh đã mọc lên, rác thải cũng từ đó biến mất. Để có được kết quả này, Chi hội Phụ nữ thôn Kế Xuyên đã chọn và phát động xây dựng đoạn đường tự quản xanh - sạch - đẹp. Chị Ngô Thị Lê - Chi hội trưởng phụ nữ thôn cho hay, ngay khi thôn Kế Xuyên 1 được chọn để triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2017, cũng là thời điểm Chi hội phụ nữ phát động xây dựng những con đường tự quản. “Chúng tôi không yêu cầu đoạn đường nào cũng phải trồng cây xanh, mà mỗi hội viên phụ nữ tự quản trước nhà của mình. Đồng thời mỗi tuần, chị em phải tập trung dọn vệ sinh một lần để giữ gìn cảnh quan môi trường sạch sẽ”.
Tính đến nay toàn huyện Thăng Bình đã có 362 mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng... Theo ông Võ Tấn Thuận - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, những mô hình dân vận khéo trước tiên xuất phát từ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mô hình “ Dân vận khéo” đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu cần thiết của người dân; từ đó những mô hình cụ thể ra đời, được người dân chấp nhận và ủng hộ. Đáng chú ý, nhiều mô hình ra đời với sự chung tay góp sức của người dân đã phát huy hiệu quả và duy trì thường xuyên.
Ông Võ Tấn Thuận cho rằng, ngoài các yếu tố thực tiễn, đòi hỏi Mặt trận, chính quyền và các hội đoàn thể cần phát huy vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng mô hình, tổ chức tổng kết nhìn nhận mặt tích cực cũng như hạn chế để khắc phục. Các mô hình “Dân vận khéo” đáp ứng nhu cầu thực tiễn cần được phát huy; còn các mô hình bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn phải loại bỏ. Đặc biệt, cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc áp dụng thực tiễn sao cho hiệu quả nhất.