Nhiều mô hình dân vận khéo tại huyện Bắc Trà My thực sự lan tỏa và hiệu quả, góp phần tích cực cho sự phát triển ở huyện miền núi này.
Hiến đất xây cuộc sống mới
Phong trào “Dân vận khéo” góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt nông thôn xã Trà Tân, đặc biệt từ khi Trà Tân bắt đầu xây dựng nông thôn mới đến nay đã là xã đạt chuẩn, tiến đến xã nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Thái Trọng Thạch - Chủ tịch UBND xã Trà Tân, phong trào thi đua dân vận khéo xuất phát từ nhân dân và thành công do nhân dân thực hiện. Phong trào đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Đặc biệt, công tác dân vận chính quyền đã góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Trà Tân, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Thạch cho biết: “Những tuyến đường nông thôn và tuyến đường trung tâm hành chính xã khang trang, sạch đẹp nhờ có sự đồng tình của người dân đóng góp xây dựng bằng sự hiến đất, hiến tài sản trên đất gần như 100%.
Bộ mặt nông thôn thay đổi qua nhiều năm, đời sống người dân được nâng cao. Đây chính là thành quả của công tác dân vận khéo mà cấp ủy, chính quyền và người dân cùng chung sức, đồng lòng.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, không những thay đổi bộ mặt nông thôn, mà còn góp phần rất lớn vào sự kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã luôn đồng lòng với đảng bộ, chính quyền, nhất là trong việc hiến đất đai, tài sản để chỉnh trang diện mạo nông thôn”.
Từ phong trào “Dân vận khéo”, xã Trà Tân đã tập hợp được sư đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể đến như việc vận động xây dựng tuyến đường thôn 1, người dân ủng hộ chủ trương chung, hiến đất 100%, vật kiến trúc và cây cối.
Cụ thể, 9 hộ dân có đất đai, cây cối bị ảnh hưởng đã đồng lòng cam kết hiến đất để đơn vị thi công nhanh chóng triển khai công trình. Như ông Trần Minh Cảnh đã hiến đất lúa, đất rừng sản xuất hơn 1.400m2 ; ông Nguyễn Hùng Cường hiến 910m2 đất rừng sản xuất hay ông Hồ Văn Ly hiến hơn 1.500m2 đất rừng sản xuất...
Sự đồng lòng của nhân dân hiến đất đai, cây cối, phá dỡ tài sản trên đất ở rất nhiều công trình dân sinh khác đã giúp cho diện mạo xã Trà Tân ngày càng đổi mới, giao thương thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vì phụ nữ nghèo
Với việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Hội LHPN huyện Bắc Trà My đã có nhiều cách làm đổi mới trong triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị Đinh Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Trà My, cho hay phong trào thi đua “Dân vận khéo” do các chi hội phụ nữ trong huyện thực hiện xuất phát từ thực tế nên có sự lan tỏa sâu rộng, gắn bó với từng hoàn cảnh chị em phụ nữ khó khăn trong cuộc sống, có địa chỉ và cách làm cụ thể.
Hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ thôn, khối phố đã tranh thủ các nguồn lực để vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, các mô hình đã được hỗ trợ cũng được tư vấn cách thức thực hiện phù hợp. Con em của chị em phụ nữ và phụ nữ nghèo, cận nghèo, có thu nhập thấp được giới thiệu đào tạo nghề, việc làm. Hội LHPN huyện đã vận động đóng góp xây dựng các mô hình quỹ “ngày vì phụ nữ nghèo”, xây dựng “mái ấm tình thương”, “thu gom ve chai”... giúp hàng trăm hộ gia đình do phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo.
Với mô hình “thu gom ve chai”, Hội LHPN huyện Bắc Trà My phát động thu gom ve chai hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện và giao lại cho hội LHPN 13 xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện. Từ tiền bán phế liệu, hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ sinh kế cho 18 chị là hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.
Hay với mô hình “nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi do thiên tai, dịch bệnh”, Hội LHPN huyện Bắc Trà My trực tiếp nhận đỡ đầu 2 trẻ em tại xã Trà Đông và Trà Tân với số tiền 2,4 triệu đồng/năm/ trẻ, hội LHPN các xã, thị trấn trực tiếp nhận đỡ đầu 17 em tại địa phương.