(QNO) - Đó là một trong những yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ra sáng nay 5.1.
Tại điểm cầu chính, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Khơi dậy sức dân, gắn bó nghĩa đồng bào
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và dồn dập thiên tai, năm 2021, Quảng Nam đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị xã hội đạt nhiều kết quả phấn khởi.
Kết thúc năm 2021, Quảng Nam hoàn thành 16/20 chỉ tiêu, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,04%; thu ngân sách đạt hơn 23.770 tỷ đồng, vượt dự toán hơn 4.400 tỷ đồng…
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, trong thành tích chung đó có sự tham gia, đóng góp tích cực của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh. Công tác dân vận đã làm được nhiều việc, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng.
Đặc biệt, qua công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy công tác dân vận khơi dậy sức dân, tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào gắn bó máu thịt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nêu lên một số hạn chế, tồn tại của công tác dân vận. Đó là việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận ở một số nơi hiệu quả còn thấp; chưa nắm bắt kịp thời những diễn biến, tư tưởng trong nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong cộng đồng dân cư; chậm đổi mới về cách vận động quần chúng trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh phòng chống dịch.
Đó là tình trạng một số cấp ủy chưa quan tâm chỉ đạo đồng bộ công tác dân vận và công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vô cảm trước bức xúc nhân dân, xa dân, chưa dân chủ, chưa lắng nghe ý kiến của nhân dân, dẫn đến một số nơi nội bộ lủng củng, thiếu đoàn kết thống nhất… Những hạn chế đó làm phương hại đến uy tín, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
"3 yêu cầu, 5 nhiệm vụ"
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đặt ra 3 yêu cầu về phương hướng công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022. Thứ nhất, công tác dân vận phải làm tăng cường vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Thứ hai, công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước phải thực hiện bằng cách cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Thứ ba, phải thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết những vấn đề chính đáng của nhân dân, theo phương châm “Làm cho dân, dân được bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và dân thụ hưởng”.
Để làm tốt công tác dân vận trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Lê Văn Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận. Đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là triển khai, quán triệt tổ chức cuộc sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành trung ương về tiếp tục, xây dựng chỉnh đốn đảng và Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm.
Thứ hai, yếu tố quyết định thành công của công tác dân vận là đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền. "Làm công tác dân vận chính quyền phải lưu ý tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, không tôn trọng ý kiến của nhân dân; tránh sa sút phẩm chất, đạo đức lối sống, vô cảm với dân, quan liêu gia trưởng, độc đoán, trù dập, ức hiếp quần chúng và cấp dưới.
Đồng thời, chống cho được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vì một mục tiêu phục vụ nhân dân, có chính kiến với nhân dân, tôn trọng, gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân… Đó là những việc mà công tác dân vận chính quyền cần làm, phải tránh, nếu không sẽ làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng và làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng" - đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Ngoài ra, các nhiệm vụ tiếp theo là cần làm tốt công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chính quyền và các ngành phải tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dận vận các cấp và cán bộ làm công tác dân vận.
Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và không ngừng đổi mới nội dung của công tác dân vận các cấp. Người làm công tác dân vận đòi hỏi phải có uy tín, giỏi thuyết phục, khéo léo, biết vận động.