Giêng hai, phố chừng như vẫn còn chùng chình với mùa cũ, những xao xác nhớ về ấu thơ cứ dậy lên theo lời nhạc “Về đi em” của Trần Tiến “Về đi em”: “Về bên dòng sông thơ ấu/ Có anh trai quê vẫn chờ/ Đàn vịt xiêm còn ngơ ngác nhớ/ Chị Tấm xinh tươi ngày xưa.../ Để quên đi thành phố kia xa lạ/ Về vui yên ấm nơi quê nhà...”. Tất cả hình ảnh ấy đều quen thuộc đến quá đỗi bình thường. Chỉ duy có “đàn vịt xiêm còn ngơ ngác nhớ” là cứ quẩn quanh mãi suy nghĩ của tôi.
Có lẽ là trùng hợp, bởi vì nhà tôi ngày xưa cũng nuôi vịt xiêm. Nhờ đó, tôi đã có góc ký ức đầy ắp tiếng cười trong như nắng hạ.
Khu vườn của ba tôi ngày ấy khá rộng. Ba có bàn tay giỏi nuôi trồng, cây nào cũng tươi tốt cả. Nào là các loài rau như rau sam, rau sâm, bồ ngót, lá lốt, rau lang, rau lũi, bầu đường... Chỉ qua buổi sáng, bọn vịt xiêm đã có thể vặt sạch không còn một chiếc lá. Không chỉ ăn sạch cỏ, rau mà tới các loại gia vị như lá chanh, ớt, nghệ hay lá sả, mấy con “tiểu yêu” ấy cũng chẳng tha.
Ba giăng lưới cước xanh ngăn khoảng đất trống để nhốt đám vịt xiêm bên trong. Chúng sẽ thi nhau ra sức mổ, cho tới khi nào lưới rách lỗ lớn vừa vặn để cả đàn lần lượt chui ra. Thế là ngày nào tôi cũng có nhiệm vụ canh chừng đám rau ngoài vườn như phòng kẻ trộm.
Nhưng “cuộc chiến” dữ dội nhất của tôi và đám vịt xiêm phải kể đến mỗi buổi trưa hè đưa võng. Giấc ngủ thường dễ đến với tôi nhờ cơn gió trời êm dịu thổi qua vườn cây xào xạc lá. Ấy vậy mà, âm thanh đập cánh phạch phạch kèm những tiếng “quáp quáp” của đàn vịt xiêm đã làm xáo động cả buổi trưa yên tĩnh của tôi.
Thường thì, lúc mặt trời treo lưng lửng ngọn tre, tôi đạp chiếc xe cọc cạch từ bữa chợ quê về, trong giỏ đựng mấy loại cá biển. Hồi đó, nhà tôi còn nghèo, chái bếp được ba làm riêng ra bên hè, mái lợp lá dừa. Bên cạnh là cái ảng xi măng to đựng nước.
Ba lắp mấy viên gạch đỏ ngay hàng thẳng lối thành góc vuông trên nền đất bên cạnh ảng. Gia đình tôi thường ngồi rửa chén, giặt đồ trên lớp gạch đó cho khỏi văng đất bám bụi. Lúc tôi làm mang cá, ngửi được mùi tanh là bọn vịt đổ xô lại mổ tới tấp con cá trên tay tôi.
Dù tôi có đuổi tụi vịt bao nhiêu vòng quanh vườn, thì lát sau cả đám vẫn xúm xít lại đòi rỉa cá của tôi. Khoảnh khắc đổ mồ hôi mệt bở hơi tai đó trở thành những trong trẻo ngọt lành xua tan xô bồ nơi phố thị.
Ngày tôi lớn lên đi xa quê rồi, chẳng biết đàn vịt xiêm có “ngơ ngác nhớ” như bài hát tha thiết kia không. Nhưng đến khi về lại, thấy khu vườn trống huơ hoác, chợt chạnh lòng tiếc biết mấy thuở ngây dại vô tư thuở nào.