(QNO) - Để bàn cách tháo gỡ khó khăn, đưa khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) hoạt động trở lại sau 3 tháng "đóng cửa", sáng 25.10, tại Nhà văn hóa thôn Bích Nam (xã Tam Xuân 2), lãnh đạo huyện Núi Thành chủ trì tổ chức đối thoại với người dân.
Tham dự đối thoại có Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Mau. Hơn 8 giờ, Nhà văn hóa thôn Bích Nam gần như không còn một ghế trống, với sự có mặt của hàng trăm người dân các thôn Bích Nam, Bích Sơn, Thạch Kiều, Bích Ngô (xã Tam Xuân 2). Đây là cuộc đối thoại lần thứ 5 do huyện tổ chức, kể từ ngày xảy ra sự cố môi trường ở khu xử lý rác thải Tam Xuân 2.
Hàng chục ý kiến của người dân, tựu trung là phản ánh tâm lý lo lắng về ảnh hưởng môi trường (nguồn nước, ô nhiễm mùi) nếu khu xử lý hoạt động trở lại. Phần lớn người dân đồng tình để công ty vận chuyển rác vào khu xử lý với điều kiện phải đưa ra cam kết và thực hiện đúng cam kết không để tái diễn gây ô nhiễm, xử lý triệt để môi trường, quan trắc nguồn nước thường xuyên và trong quá trình các ngành chức năng thực hiện kiểm tra phải có sự giám sát của người dân.
Ngày 24.10.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký Công văn (số 6381) gửi lãnh đạo huyện Núi Thành, các sở ngành liên quan, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam về việc đảm bảo điều kiện hoạt động của khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 và triển khai đầu tư khu xử lý rác thải công nghệ cao thay thế lò đốt rác thải Tam Xuân 2.
Thông tin đáng chú ý của văn bản này là UBND tỉnh giao UBND huyện Núi Thành khẩn trương lập dự án đầu tư vào tuyến đường mới vào khu xử lý rác Tam Xuân 2 (không đi qua khu dân cư) và phục vụ vận chuyển cho khu xử lý công nghệ cao tại xã Tam Thạnh (Núi Thành). Theo dõi, giám sát Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam trong vận hành khu xử lý rác Tam Xuân 2, bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố, đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường.
Ông Mai Văn Hoàng (trú tổ 1, thôn Bích Nam) nói: "Người dân thống nhất cho công ty vận chuyển rác vào bãi xử lý trở lại nhưng dân phải cử người giám sát, các bên đạt được thỏa thuận về thời gian đổ rác. Công ty tuyệt đối không đổ rác thải y tế nguy hại với rác thải sinh hoạt, nếu phát hiện dân sẽ ngăn chặn ngay; đồng thời, cần sớm đầu tư dự án nước sạch trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp".
Tại cuộc đối thoại, nhiều người dân băn khoăn vừa qua xảy ra sự cố ở hộc chứa số 1, nay phương án của công ty chuyển rác qua xử lý ở hộc rác số 2, mức độ rò rỉ gây ô nhiễm, khắc phục ở hộc số 1 như thế nào cũng cần công khai, minh bạch.
Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - ông Nguyễn Thanh Dũng cho rằng, từ ngày 25.7 đến nay không có một xe rác nào của công ty chuyển đến khu xử lý. Thời điểm này, công ty đã khắc phục xong sự cố ô nhiễm, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
"Hiện tại hộc chứa số 1 vẫn còn đủ sức tiếp nhận 50% lượng rác, nhưng sau khi bị sự cố, Sở TN&MT và tỉnh chỉ đạo chuyển hết vào hộc số 2 đã đầu tư lót bạt an toàn đảm bảo hơn" - ông Dũng giải thích.
Còn ông Võ Như Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, Công ty CP Môi trường đô thị là đơn vị được Nhà nước giao thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT cam kết kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. Hằng tháng, hằng quý cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát, mong muốn bà con nhân dân cử người đại diện cùng tham gia giám sát. Thời gian qua, ngân sách nhà nước bỏ ra 14 tỷ đồng đầu tư ở hộc số 2 như lót bạt, đầu tư hệ thống thoát nước thải, tách riêng dòng nước ngầm ở phía tây chảy về nhà máy, phân loại rác thải tại nguồn…
Cũng theo ông Toàn, nỗi lo lắng về môi trường của người dân là rất chính đáng, nhưng pháp luật quy định về bảo vệ môi trường rất chặt chẽ trong thực hiện các quy trình, không có việc đóng cửa bãi rác rồi… cao chạy xa bay. Việc phục hồi môi trường cần lộ trình 5 năm, quan trắc cũng theo định kỳ quy định, nếu phát hiện ô nhiễm lập tức sẽ triển khai các biện pháp xử lý ngay.
Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không phải riêng cá nhân, đơn vị nào. Ô nhiễm môi trường và lúng túng xử lý thải rác hiện nay mang tính toàn cầu, các địa phương trong nước, trong đó có Quảng Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong kiểm soát. Hiện nay, nhiều địa phương khác đang quy hoạch, đầu tư bãi rác, thì áp lực về khu xử lý rác Tam Xuân 2 (phục vụ cho các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Tam Kỳ và Khu kinh tế mở Chu Lai) sau này sẽ giảm đáng kể.
Lãnh đạo huyện Núi Thành yêu cầu trong chiều nay (25.10), các ngành liên quan, địa phương phải xong bản cam kết với nhân dân khi hoạt động trở lại. Trước hết, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tập trung nhân lực, phương tiện máy móc thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn 2 xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 vào khu xử lý, không để tồn tại hình ảnh rác sinh hoạt nhếch nhác như hiện nay; tuyệt đối không để lẫn lộn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt. Ông Ấn cũng đề nghị người dân các thôn lập tổ công tác để giám sát quá trình thực hiện cam kết của những đơn vị liên quan.