Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - dấu ấn chặng đường 90 năm

ĐÔNG KHÔI 27/03/2020 10:14

Ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Đây là mốc son chói lọi, khởi đầu cho những dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo bằng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đổi mới, sáng tạo… trong lịch sử đấu tranh cách mạng và dựng xây, phát triển của quê hương Quảng Nam suốt 90 năm qua.

Từ một tổ chức đảng với hơn 80 đảng viên, đến nay Đảng bộ Quảng Nam có 68.882 đảng viên đang sinh hoạt tại 3.202 chi bộ trực thuộc 1.152 tổ chức cơ sở đảng.
Từ một tổ chức đảng với hơn 80 đảng viên, đến nay Đảng bộ Quảng Nam có 68.882 đảng viên đang sinh hoạt tại 3.202 chi bộ trực thuộc 1.152 tổ chức cơ sở đảng.

Nhạy bén, quyết liệt

Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời với chỉ hơn 80 đảng viên, nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt, tích cực tìm đường bắt mối, nên dù trải qua nhiều gian nan, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững và ngày càng lớn mạnh. Nhờ nắm vững, quán triệt Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, đồng thời trước đó Tỉnh ủy đã bắt nối được với Xứ ủy Trung Kỳ kịp thời nắm bắt chủ trương chỉ đạo cách mạng, nên tích cực xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 18 đến 26.8.1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh một cách nhanh chóng, trọn vẹn.

Giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), với tinh thần thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Giữ vững chiến trường, ra sức xây dựng các huyện vùng tự do và miền núi, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở vùng bị tạm chiếm, bền bỉ chống các âm mưu chiêu an, lập tề, đánh thắng nhiều trận vang dội ở Gò Cà, Hải Vân, Gò Nổi, Bồ Bồ... phối hợp nhịp nhàng với chiến trường Điện Biên Phủ dẫn đến thắng lợi lớn lao của dân tộc, buộc địch phải ký hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Hết chống Pháp đến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã quán triệt và vận dụng linh hoạt đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũ giáp công” lập nên những chiến công vang dội. Tiêu biểu như chiến thắng Núi Thành đêm 25 rạng ngày 26.5.1965, góp phần làm nên một Quảng Nam “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng với chiến dịch Buôn Ma Thuột, thắng lợi của chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm (10.3.1975) có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3.1975, từ đó trực tiếp uy hiếp quân địch ở Đà Nẵng, làm cho chúng hỗn loạn và tan rã. Ngày 29.3./1975, Đà Nẵng cũng được giải phóng.

Kênh dẫn nước thủy lợi Phú Ninh. Ảnh: P.THẢO
Kênh dẫn nước thủy lợi Phú Ninh. Ảnh: P.THẢO

Dám nghĩ, dám làm

Từ một tổ chức đảng với hơn 80 đảng viên, đến nay Đảng bộ Quảng Nam có 68.882 đảng viên đang sinh hoạt tại 3.202 chi bộ trực thuộc 1.152 tổ chức cơ sở đảng.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ đầu tiên đặt ra đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh là giải phóng đồng ruộng, lấy đất sản xuất, giải quyết lương thực. Khó khăn nhất lúc này là di dời mồ mả ở những vùng đất đai màu mỡ tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc… Ngay từ đầu, chủ trương này đã vấp phải sự phản đối rất quyết liệt trong cán bộ, nhân dân. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triệu tập hội nghị “Diên hồng” thuyết phục để người dân hiểu và thực hiện. Vậy là, hàng nghìn ngôi mộ được dời đến những nơi cao ráo, thoáng đãng, giải phóng đất đai phục vụ sản xuất. Từ đó, màu tươi xanh của lúa, bắp… trải rộng, đem theo biết bao niềm vui và hy vọng về cuộc sống mới.

Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng “vùng cát nghèo là định mệnh!”. Nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu là đồng chí Hồ Nghinh lại không cho như vậy, phải xóa cái nghèo ở vùng cát bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi đưa nước về, cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất. Đại công trình thủy lợi Phú Ninh ra đời là minh chứng rõ nhất cho việc không khuất phục định mệnh. Công trình thủy lợi này đã góp phần quyết định trong việc chuyển một số lớn diện tích đất lúa của các huyện phía nam từ 1 - 2 vụ lên 3 vụ với năng suất cao. Công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực của địa phương, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương nhanh chóng thực hiện chuyển đổi quản lý kinh tế, trước hết là chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, hình thành kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực. Đồng thời thực hiện chủ trương phát triển các thành phần kinh tế để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất; hình thành, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh... Nhờ đó, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Sáng tạo trong đổi mới

Trước yêu cầu phát triển, từ ngày 1.1.1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chi tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Ngay từ những ngày đầu tái lập, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định, vấn đề “xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân được tăng cường” là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điểm nhấn quan trọng là quá trình ra đời và phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, cùng với đó là các chủ trương phát triển kinh tế vùng đông và phía tây của tỉnh nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa các vùng trong tỉnh; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Cùng với đưa vào hoạt động sân bay Chu Lai và Cảng Kỳ Hà, việc mở cửa khẩu biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào), nâng cấp và xây mới các tuyến giao thông... đã hình thành nên mạng lưới giao thông thông suốt từ trong nước đến nước ngoài, từ tỉnh đến các huyện, thành phố, lên miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sau 90 năm thành lập, 45 năm giải phóng, nhất là hơn 23 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay Quảng Nam đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Thành quả đạt được là sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam. Là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất giữa “ý Đảng với lòng dân”. Là sự thể hiện cụ thể bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam về lựa chọn hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang của vùng đất cách mạng, sự dạn dày kinh nghiệm trong chặng đường 90 năm xây dựng và trưởng thành, trong những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, với ý chí không cam chịu đói nghèo, tiếp tục lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh tạo nên những kỳ tích trong xây dựng và phát triển quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - dấu ấn chặng đường 90 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO