Đẳng cấp thương hiệu du lịch miền Trung

KHÁNH LINH 11/06/2017 06:02

Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề: “Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”.

Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng du lịch nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng.Ảnh: KHÁNH LINH
Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng du lịch nhưng sự phát triển vẫn chưa tương xứng.Ảnh: KHÁNH LINH

Nhiều lợi thế

Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thì miền Trung - Tây Nguyên được biết đến với các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới như Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, quần thể Khu di tích Mỹ Sơn, Động Phong Nha - Kẻ Bàng… được đánh giá như những “kho báu” để phát triển du lịch. Thực tế, vài năm trở lại đây một số tỉnh, thành như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa… du lịch đã và đang dần đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Tại Thanh Hóa, thống kê giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đón gần 27,5 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm. Tương tự, Thừa Thiên Huế, năm 2016 du lịch dịch vụ đã đóng góp 56% GRDP với gần 3,3 triệu lượt khách đến tham quan lưu trú. Đà Nẵng năm 2016 cũng đón hơn 5,5 triệu lượt khách. “Thương hiệu” du lịch Đà Nẵng được nhiều du khách yêu mến bình chọn với danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” cùng nhiều mỹ danh khác dành cho các khu nghỉ dưỡng ven biển nơi đây. Ngoài ra, có thể kể đến Lâm Đồng, địa phương có tốc độ tăng trưởng khách hàng năm khá cao. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh đón khoảng 26 triệu lượt du khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,7%/năm. Năm 2016 du lịch Lâm Đồng đón gần 5,4 triệu lượt khách, du lịch dịch vụ đang thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Dù thấp hơn nhưng du lịch Khánh Hòa năm 2016 cũng đón 4,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng du lịch từ năm 2011 – 2015 đạt 18% năm, trở thành một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ…

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là lãnh thổ của 3 vùng du lịch: Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bao gồm địa bàn của 19  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (thuộc vùng Bắc Trung Bộ); Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (thuộc vùng Tây Nguyên). Đây là địa bàn có vai trò rất quan trọng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước.

Với Quảng Nam trong vòng 10 năm trở lại, du lịch luôn tăng trưởng hơn 10% năm. Riêng năm 2016 đón hơn 4,4 triệu lượt khách (2,3 triệu khách quốc tế), Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tiếp tục trở thành điểm đến ưa thích của du khách. Đặc biệt, Hội An liên tiếp nhận được những danh hiệu bình chọn từ các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới như: Top 10 thành phố tốt nhất của châu Á 2015 (Tạp chí du lịch Smarter Travel, Mỹ); Top 10 điểm lãng mạn nhất nên đến trên thế giới (CNN); Top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới (tạp chí du lịch Wanderlust, Anh); Top 10 địa điểm có khách sạn tốt nhất thế giới (Trang web Agoda)… Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch về phía nam của tỉnh với các điểm đến như bãi biển Tam Thanh, làng bích họa, quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ), hồ Phú Ninh…

Có thể thấy du lịch các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đang có sự chuyến biến mạnh mẽ, cụ thể trong năm 2017 khi hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao cùng chuỗi lễ hội từ Tây Nguyên xuống miền duyên hải diễn ra như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017, đặc biệt các hoạt động trong khuôn khổ APEC… hứa hẹn tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, qua đó góp phần đưa miền Trung – Tây Nguyên trở thành khu vực trọng điểm của du lịch cả nước.

Liên kết chưa mạnh

Không phủ nhận, miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế về tài nguyên và hạ tầng giao thông để phát triển đa dạng loại hình sản phẩm du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, văn hóa… Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế, không tương xứng nhất là thiếu tính liên kết. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến các tỉnh miền Trung tăng từ 2,99 triệu lượt khách năm 2010 lên 4,87 triệu lượt khách năm 2015, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 10,27%; số lượng khách nội địa tăng từ 17,36 triệu lượt khách năm 2010 lên 37,52 triệu lượt khách năm 2015, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 16,67%. Trong khi đó tổng số lượng khách đến Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 6 triệu năm 2014 và ước tính đến năm 2016 số lượng du khách đến tham quan cũng rất hạn chế so với khu vực miền Trung.

Thời gian qua, một số địa phương đã tạo sự liên kết, hợp tác để phát triển du lịch. Nổi bật là mô hình liên kết giữa 3 địa phương  Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế theo hướng “Ba địa phương một điểm đến”. Ngoài ra, 3 địa phương cũng mở rộng sự liên kết ra các tỉnh, thành khác như Quảng Ngãi, Lâm Đồng, kể cả với Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, dù hiệu quả liên kết là không phủ nhận, nhưng ở khu vực lớn hơn với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành thì vẫn còn kiểu mạnh ai nấy làm, nhất là trong chiến lược phát triển, xây dựng sản phẩm cũng như quy hoạch liên kết vùng. Do đó, cần phải có vai trò nhạc trưởng của cơ quan trung ương nhằm xâu chuỗi, tổ chức hoạt động chung và xây dựng chương trình phối hợp với nhau. Qua đó, nhìn xem địa phương nào có cái gì và phải liên kết ra sao để  phát triển cân đối tránh trùng lặp. Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vì muốn khai thác được sản phẩm phải là doanh nghiệp, nhưng vai trò doanh nghiệp miền Trung hiện nay rất mờ nhạt, thiếu liên kết để tạo sức mạnh chung, nhất là không có nhiều doanh nghiệp lớn nên sức cạnh tranh yếu so với doanh nghiệp 2 đầu đất nước, kể cả với bên ngoài” - ông Bình phân tích.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, miền Trung - Tây Nguyên là nơi có tiềm năng du lịch rất nổi trội, lâu nay có phát triển nhưng chưa đều, ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế hay Bình Định, Khánh Hòa phát triển tương đối thì một số nơi như Phú Yên, Quảng Bình… mới nhen nhóm. Trong đó, vấn đề hạn chế của phát triển du lịch miền Trung ngoài sản phẩm, nguồn nhân lực còn là hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kể cả các sân bay cũng nhỏ lẻ… “Để du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng đến đẳng cấp thương hiệu thì từng tỉnh phải tính toán hạ tầng, kết nối hạ tầng với các tỉnh lân cận, liên kết quy hoạch... Đặc biệt, phải liên kết và làm công tác truyền thông; cần nội dung, hình thức quảng bá sâu rộng hơn. Ngoài ra, dù chính phủ đã có quy hoạch phát triển du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nhưng để du lịch trở thành hiện thực phải có sự hỗ trợ về đầu tư trong đó sự cầm trịch của các cơ quan trung ương là hết sức quan trọng nhằm tạo cơ hội phát triển cho khu vực này” - ông Hài nói.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đẳng cấp thương hiệu du lịch miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO