“…Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi….”
Nhiều năm rồi, những câu thơ ấy của Nguyễn Khoa Điềm vẫn đeo đẳng tôi mỗi bận về quê. Nhìn mẹ, nhìn chị, nhìn bà con nông phu dầm sương dãi nắng cho những mùa màng, lại thấy nao lòng trước dáng giọt mồ hôi, mặn chát, ròng chảy xuống đất đai.
Càng ngày, nông dân càng bị ông trời chơi khăm đủ kiểu. Như năm nay, mới ra tết nắng cháy khét rồi bỗng dưng mưa thối đất, lũ kéo về tháng 2 Â.L, lạnh rét. Dưa hư. Lúa lép. Rau màu, bầu bí lúc khát nước, lúc bị dập tả tơi. Chưa hết, mấy ngày qua dông sét nổi lên, gây tốc nhà ở Hiệp Đức, chết người ở Đại Lộc. Thời tiết cực đoan, hiện tượng biến đổi khí hậu càng gay gắt, khiến cho nông dân và sản xuất nông nghiệp bị tổn thương thấy rõ. Báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh cho hay, lúa vụ này tụt giảm năng suất. Ngay ở vùng đất lúa màu mỡ như Duy Xuyên, năng suất giảm 4,5 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Còn bình quân toàn tỉnh thì năng suất thấp hơn năm ngoái 1,2 tạ/ha. Đó là tính bình quân theo phương pháp gặt thống kê, chứ còn nhiều chân ruộng mất nặng. Ông ngoại của mấy đứa con tôi, trong dịp lễ vừa rồi vẫn ra đồng gặt nửa sào ruộng. Đám ruộng chỉ được 3 ang lúa mà phải mất hơn buổi cắt, lại phải tốn thêm 50 nghìn đồng thuê máy đạp tuốt lúa. Em vợ sốt ruột nên xế chiều chạy lên vun đám gié bùi nhùi đốt cháy, la hét tứ tung cho ông già bỏ cuộc về nghỉ chơi. Vậy mà ổng vẫn lặng lẽ gạt dòng mồ hôi túa ra ướt đẫm, cắm cúi thu dọn “chiến trường” trên đám ruộng gần như mất trắng. Làm sao hiểu được tâm trạng người nông dân khi đã lỗ nặng vẫn cố thu dọn những gì mà mình đã chăm bẵm, hy vọng, đợi chờ? Có lẽ, không chỉ người làm lúa, nông dân trồng dưa ở Phú Ninh giờ cũng vậy. Đây là vùng trồng dưa có “thương hiệu” của tỉnh với cánh đồng dưa khoảng 500ha. Vậy mà do thời tiết thất thường, dưa mất mùa lại còn mất giá. Năm ngoái mỗi ký dưa dao động 6.000 - 8.000 nghìn đồng, nhưng năm nay tư thương chỉ mua 3.500 đồng/kg; trong khi đó năng suất chỉ bằng 2/3 vụ dưa cùng kỳ.
Than trời kể đất là vậy, chứ cái khổ của nông dân không phải chỉ là sự nhọc nhằn làm ra hột lúa, củ khoai. Dường như với họ, khổ quá nên quen rồi, nhằm nhò chi mưa nắng. Cái khổ đến từ phía khác. Con cái chẳng hạn. Đời mình đã khổ thì cũng phải nuôi niềm hy vọng đổi đời cho con. Nhưng học hành, đi lại, ăn ở, theo thời giá bây giờ thứ gì cũng chóng mặt kêu tiền. Chăm bẵm con bò, con heo dành để bán cho con đi đại học. Rậm rịch nghe xăng tăng giá, điện nước, rồi tô bún, dĩa cơm bụi cũng sẽ cuốn theo, con mình có đi hết chặng đường khao khát? Cái nóng trong lòng còn dữ hơn nắng nung đốt như rang, cái hạn chồm tới trước mặt, hết gặt đông xuân lại lo hè thu. Vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa, lại có lúc mất cả mùa lẫn giá; thị trường nông sản quá bấp bênh làm răng mà ổn định đời sống. Cho nên nói lũ trẻ chúng ta nhờ tay mẹ lớn lên mà có biết bao thầm lặng cúi xuống đất đai để hỏi đủ điều, nhiều tháng, nhiều năm, nhiều đời.
Phần lớn người Quảng, người Việt có gốc tích cha mẹ, ông bà là nông dân. Nông dân cũng là “người mẹ” vĩ đại của lịch sử kháng chiến. Từ dịp “Ngày của mẹ” (10.5), thử nghĩ về sự hiếu thảo không chỉ riêng với mẹ hiền của bạn, mà còn cả “người mẹ” bao la ấy.
NGUYỄN ĐIỆN NAM