Đăng ký nhãn hiệu tập thể cho dệt thổ cẩm Cơ Tu: Hướng tới chia sẻ lợi ích cộng đồng

HOÀNG LIÊN 02/04/2014 14:10

Chủ trương sử dụng địa danh thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) để đăng ký nhãn hiệu tập thể “COTU YAYA DHROONG” cho 6 nhóm sản phẩm dệt của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng là hướng đi nhằm bảo hộ thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và hướng tới mục tiêu chia sẻ lợi ích cộng đồng.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, Đông Giang. Ảnh: H.L
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, Đông Giang. Ảnh: H.L

Xây dựng thương hiệu

Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho dệt thổ cẩm Cơ Tu tại thôn Đhrôồng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị về văn hóa cũng như vật chất đối với sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Xuất phát từ đề nghị của huyện Đông Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Đông Giang làm việc với Sở KH-CN để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết hướng tới đăng ký nhãn hiệu cho 6 nhóm sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ. Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH-CN có trách nhiệm hướng dẫn huyện Đông Giang, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng nghề thôn Đhrôồng lập thủ tục sử dụng địa danh “DHROONG” để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chính thức hoạt động từ tháng 6.2013, làng du lịch cộng đồng thôn Đhrôồng thời gian qua đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế. Nhiều dự án đã được triển khai tại làng nghề, nổi bật là dự án tập huấn nâng cao tay nghề dệt cho các thành viên thuộc tổ hợp tác do Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức. Qua các đợt tập huấn, các thành viên tổ hợp tác được hướng dẫn cách tạo mẫu mã sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm; biểu diễn điệu múa tâng tung da dá, tổ chức ẩm thực địa phương... phục vụ du khách. Ông Phạm Cườm, cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang cho hay, bước đầu các thành viên tổ hợp tác đã có sự hưởng lợi nhất định từ những dự án. Sản phẩm du lịch đã có, việc cấp thiết là đăng ký thương hiệu tập thể cho 6 nhóm sản phẩm dệt thổ cẩm tại làng nghề. Dự kiến, cuối năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể với địa danh thôn Đhrôồng. Khi đó, Phòng Kinh tế - hạ tầng sẽ hướng dẫn bà con cách thức quản lý nhãn hiệu tập thể. Động thái này giúp bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm dệt Cơ Tu tại Đông Giang, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tránh tình trạng hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu. “Đhrôồng nằm trong danh mục làng nghề được ưu tiên đầu tư của tỉnh và là làng nghề thuộc định hướng phát triển du lịch. Bên cạnh đăng ký nhãn hiệu tập thể, Đhrôồng đang nỗ lực để được công nhận làng nghề truyền thống” - ông Cườm nói.

Đa dạng sản phẩm

Hiện, tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại làng nghề thu hút sự tham gia của 16 thành viên là phụ nữ Cơ Tu trong làng. Từ kinh nghiệm dệt truyền thống cộng với việc nâng cao tay nghề qua các đợt tập huấn, tổ hợp tác có thể tạo ra 20 loại sản phẩm dệt với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích thước. Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm Pling thị Treng cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm đẹp, vừa lòng du khách và muốn bán được sản phẩm để duy trì hoạt động, để con cái chúng tôi không phải chỉ sống dựa vào nương rẫy mà còn có điều kiện ăn học”.

Một nguồn khích lệ lớn đối với những thành viên tổ hợp tác dệt là sản phẩm do chị em làm ra bắt đầu được một vài cơ sở bán hàng lưu niệm tại Hội An đón nhận. Chị Treng cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được 2 đơn đặt hàng từ Hội An. Một chủ shop tự thiết kế mẫu mã, yêu cầu chúng tôi làm theo mẫu sẵn có. Một đơn đặt hàng thì chọn mẫu mã từ catalogue. Mấy ngày nay, chị em ra sức làm cho kịp để giao hàng cho khách”. Nhà trưng bày sản phẩm được ILO hỗ trợ xây dựng với tổng giá trị 100 triệu đồng là nơi chị em tham gia dệt tại chỗ và cũng là nơi trình diễn sản phẩm du lịch cộng đồng. Có sẵn catalogue, khách có thể lựa chọn sản phẩm ưng ý, vừa túi tiền với giá trị dao động 70 - 450 nghìn đồng/sản phẩm. Gian hàng lưu niệm với đủ loại sản phẩm như nịt, giày dép, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, ví nam/nữ, khăn trải bàn lớn nhỏ… đều được niêm yết giá. Ngoài dệt thủ công, chị em còn có thể tạo ra sản phẩm may theo yêu cầu nhờ được trang bị 8 máy may gần 20 triệu đồng. Tiền thu được từ bán hàng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, các chị chia đều nhau. Ước tính, thu nhập bình quân thấp nhất của mỗi thành viên là 300 nghìn đồng/tháng, cao nhất là 700 nghìn đồng/tháng.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đăng ký nhãn hiệu tập thể cho dệt thổ cẩm Cơ Tu: Hướng tới chia sẻ lợi ích cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO